Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019. Phần lớn các đại biểu đánh giá cao những chỉ số kinh tế đất nước đã đạt được trong những tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, hiện kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, cần có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ. Theo các đại biểu, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Có lĩnh vực là động lực chính, quan trọng cho tăng trưởng đang giảm tốc như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, thu hút khách du lịch nước ngoài; phát triển doanh nghiệp; phát triển chăn nuôi... đều giảm so với cùng kỳ. Do đó, nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm vấn đề phát triển doanh nghiệp, bởi những tháng đầu năm 2019, bên cạnh số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tăng cao thì số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động cũng rất cao (Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 5 doanh nghiệp rời thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,3% số doanh nghiệp cả nước. Trong tổng số doanh nghiệp kê khai chỉ có 40% doanh nghiệp có lãi).
Các đại biểu cho rằng điều này phản ánh tình hình không thuận môi trường đầu tư trong cơ chế, chính sách. Để đạt mục tiêu phát triển 1.000.000 doanh nghiệp đến năm 2020, các đại biểu đề nghị cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan.
Thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội, nhiều đại biểu đề cập đến việc tăng giá điện. Theo các đại biểu, mặc dù việc điều chỉnh tăng giá điện đã được tính toán nằm trong lộ trình, nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện vừa qua như thế nào, đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế nào để cử tri, nhân dân cả nước biết.
Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục, phòng ngừa hiện tượng tăng giá "tát nước theo mưa", cần theo dõi sát biến động thị trường, kết hợp việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp để có biện pháp tổng thể nếu có biến động bất thường của thị trường...
Quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa, xã hội, nhiều đại biểu cho rằng, để công tác giảm nghèo đa chiều hiệu quả, bền vững, trong thiết kế chính sách phải đặt trọng tâm vào giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Cần tích hợp các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thành một để tập trung nguồn lực giảm nghèo có hiệu quả cho người nghèo theo từng đối tượng để họ phát huy nguồn lực, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc thù. Xây dựng chiến lược phát triển tiềm năng du lịch trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực vùng, đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng của sản phẩm hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật, các đại biểu cho rằng hiện hệ thống pháp luật có một số dự án luật còn quy định chưa đồng bộ, không đầy đủ kể cả áp dụng trong thực tiễn để xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm pháp luật. Một số quy định của pháp luật trong xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe.
Vì vậy, đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, khẩn trương sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ sớm rà soát lại các nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự để kịp thời bổ sung cho hoàn thiện...
Trong ngày thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao đổi vấn đề kiểm soát CPI và vấn đề giá điện. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày thêm vấn đề sắp xếp lại bộ máy huyện, xã, các sở, ban, ngành.
Mai Lan