Tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng: Dân quân và tự vệ là 2 đối tượng khác nhau vì thế mới có tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ Quốc phòng về ý kiến góp ý của Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của ủy ban Quốc phòng, An ninh cho rằng, việc viết liền tên gọi dân quân tự vệ là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất với Điều 23 của Luật Quốc phòng năm 2018 và kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ hiện hành.
Theo đại biểu, giải trình như thế là chưa thỏa đáng, nếu viết liền dân quân tự vệ thì về mặt ngôn ngữ là không chuẩn, vì theo khái niệm nêu tại từ điển bách khoa Việt Nam trang 654 quy định dân quân, tự vệ không viết liền. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tên của Luật, tên của điều không viết liền dân quân tự vệ mà phải tách ra bằng dấu phẩy "dân quân, tự vệ".
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tại Chương I thêm một điều về chính sách của Nhà nước đối với lực lượng dân quân tự vệ. Đồng thời, bổ sung quy định về đối tượng áp dụng ở Điều 1 hoặc 1 điều riêng. Đây là những nội dung không thể thiếu trong một đạo luật và cũng là để có sự thống nhất về kỹ thuật văn bản trong hệ thống luật hiện hành.
Về vị trí chức năng của dân quân tự vệ được quy định tại Điều 2, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chính sửa lại, cách thể hiện, vị trí, vai trò, chức năng của lực lượng này, không nên nhầm lẫn với nội dung giải thích dân quân tự vệ là ai và họ được tuyển chọn từ đâu. Đề nghị bổ sung vào Điều 3 việc giải thích từ ngữ "dân quân tự vệ" vì đây là hai khái niệm khác nhau và cần có ở Điều 3.
Về kết cấu của Luật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng mặc dù luật lấy tên là Luật Dân quân tự vệ nhưng đa phần nội dung các quy định lại thể hiện chung cho cả dân quân và tự vệ, không thấy có sự phân biệt giữa dân quân và tự vệ.
Trong dự thảo Luật chỉ có Điều 17 quy định riêng về tự vệ trong doanh nghiệp, không có điều quy định về tự vệ trong các tổ chức, cơ quan; nhưng lại có Điều 21 quy định về Ban CHQS ở các cơ quan, tổ chức; cũng không thấy có điều nào trong Luật quy định riêng về dân quân. "Kết cấu như vậy là khập khiễng, không hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại kết cấu Luật được cân đối hợp lý và rõ ràng hơn"- đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh.
Trong ngày, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Kiến trúc.
Mai Lan