Trong phiên họp thảo luận tại hội trường, có 20 đại biểu phát biểu ý kiến, có 6 đại biểu đã tranh luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiện Luật Đầu tư công đang có một bước thụt lùi về vấn đề cải cách, vì vẫn có quá nhiều thủ tục hành chính. Bởi các dự án đầu tư công hiện quá chậm, nguyên chính là vấn đề thủ tục chưa phân cấp, phân quyền cho các cấp.
Góp ý cụ thể về quy định trình tự phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước, đại biểu đề nghị lựa chọn phương án "Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới". Vì ngay trong Điều 46 quy định căn cứ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào vấn đề tài chính và khả năng nợ công của quốc gia để định hình kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Điều 47 nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng yêu cầu là kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Do đó, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia phải là sang nhiệm kỳ khóa mới sau Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới mới định hình được chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị sửa Điều 54 về quy trình lập thẩm định kế hoạch đầu tư, có một chi tiết là trước ngày 30/7 năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn trước thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc lập đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị, bỏ khoản 7, điều 60: "Trước ngày 25/12 hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết danh mục mức vốn, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm sau" và ghép khoản 8 vào khoản 6. Bởi vì, theo Tờ trình 429 của Chính phủ, vấn đề 13 sẽ sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch tổng mức vốn và cơ cấu vốn kèm theo mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, các đơn vị, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án và chịu trách nhiệm về việc thực hiện của mình, báo cáo lại cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Chính phủ.
"Nếu chúng ta quy định tại Điều 60 là các dự án sau khi đã hoàn thành tất cả mọi thủ tục và Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn thông báo chi tiết thì mới được làm, tôi nghĩ đây không còn là hậu kiểm mà nó là tiền kiểm.
Mặt khác, sau khi triển khai kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vốn về cho địa phương và một số chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia hoặc đầu tư có mục tiêu thì coi đấy là ngân sách địa phương, địa phương làm và địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phân cấp này. Có như thế mới bớt thủ tục và nhanh chóng hơn"- đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Mai Lan