Tham gia góp ý thảo luật tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí về sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại tên của luật để bảo đảm bao quát hết được nội dung của Luật bao gồm của con người và phương tiện kỹ thuật.
Đại biểu cho rằng, hiện nay có một số nước có luật giống chúng ta như Nga, Belarus thì họ chỉ có quy định lực lượng dự bị động viên là con người (tức là về quân nhân dự bị) mà không có phương tiện kỹ thuật.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại nội dung ở khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ "lực lượng dự bị động viên là gì". Việc quy định phương tiện kỹ thuật đã dăng ký thuộc lực lượng dự bị đồng viên tại dự thảo luật cần được cân nhắc cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng như đã được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh nêu.
Đại biểu dẫn chứng: Theo các quy định của Hiến pháp năm 2013, tại Điều 65, Điều 66 và Chỉ thị số 16 của Trung ương đã quy định lực lượng dự bị động viên chỉ là con người, mà quy định như vậy thì mới phù hợp với nội dung của Điều 4 về nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của dự thảo luật.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 4 đã quy định lực lượng dự bị động viên được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ. Do đó, nếu quy định lực lượng dự bị động viên gồm cả phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân thì không phù hợp với nguyên tắc được quy định ở Điều 4.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn: Những quân nhân dự bị phần lớn là thanh niên xuất ngũ về địa phương, những người này làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, khi huy động tham gia lực lượng dự bị động viên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của những doanh nghiệp này, từ đó gây khó khăn tới việc phân công lao động của doanh nghiệp.
Vậy nên, mỗi lần động viên, các công ty, doanh nghiệp không muốn nhả người vì ảnh hưởng đên sản xuất, nhất là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu người lao động là quân nhân dự bị chấp hành thời gian huấn luyện sẽ bị chủ doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng, dẫn tới mất việc làm, nếu không chấp hành thời gian huấn luyện sẽ vi phạm luật, buộc các cấp có thẩm quyền phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc tham gia lực lượng dự bị động viên là nhiệm vụ của cá nhân khi xuất ngũ sau khi trở về địa phương, về với cuộc sống đời thường mỗi người có một hoàn cảnh riêng, thời gian tham gia diễn tập của lực lượng dự bị động viên càng dài thì càng không thể thực hiện tham gia theo lệnh được gọi. Có người mới có công ăn việc làm sau khi tham gia lực lượng dự bị động viên trở thành thất nghiệp.
"Hiện tượng này đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung khi tôi khảo sát. Vấn đề đặt ra ở đây, tại Điều 44 Chương IV của dự thảo luật không thấy quy định cơ quan chức năng nào của nhà nước đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào lực lượng dự bị động viên. Do đó, cần có cơ chế phù hợp trong xây dựng và quản lý dự bị động viên"- đại biểu đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu góp ý cụ thể về những quy định tại khoản 2 Điều 35 của dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên.
Buổi chiều, Quốc hội nghe các Báo cáo: Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Sau đó, các Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các Nghị quyết trên.
Cũng trong ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thư viện và thảo luận ở đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Mai Lan