Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề.
Trên cơ sở đề nghị của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định chọn 4 nhóm vấn đề để chất vấn thuộc các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao và du lịch.
Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các Bộ trưởng: Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan trong quá trình chất vấn khi cần thiết cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình báo cáo làm rõ những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý.
Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ để báo cáo giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan đến các vấn đề chất vấn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục áp dụng những cải tiến đã được thực hiện tại các kỳ họp trước: Các bộ trưởng sẽ không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu không quá 5 phút trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn. Mỗi lượt chất vấn sẽ có 5 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng mỗi vị đại biểu Quốc hội chỉ hỏi 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời.
Để phiên chất vấn đạt kết quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn ngắn, gọn, rõ ý, tập trung phân tích, đánh giá chính sách, làm rõ trách nhiệm; hạn chế việc quá đi sâu vào các vụ việc cụ thể. Việc tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn; các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi hay người trả lời...
Ngay sau khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là người đầu tiên trả lời chất vấn về nhóm vấn đề về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về các vấn đề: Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô các thành phố lớn.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã chất vấn Bộ trưởng về giá thành của các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Bùi Văn Phương đặt vấn đề: Tại sao các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thường có giá thành cao hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với các công trình tương tự mà do tư nhân đầu tư xây dựng? Phải chăng việc chậm sửa đổi bộ Quy chuẩn, tiêu chuẩn hệ thống định mức đơn giá xây dựng đang là bệ đỡ cho các vấn đề lãng phí, tiêu cực và tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và khi nào sẽ sửa đổi Quy chuẩn, tiêu chuẩn hệ thống định mức đơn giá xây dựng?
Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Văn Phương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng đây là vấn đề có trong thực tiễn. Nguyên nhân là do thời gian qua chúng ta chưa kịp thời sửa đổi hệ thống định mức đơn giá xây dựng.
Trong khi đó, các công trình do tư nhân đầu tư, thường họ quản lý chặt chẽ hơn quản lý công trình sử dụng vốn Nhà nước; họ tiếp cận được các nguồn vật tư, nguyên vật liệu trực tiếp với các đơn vị sản xuất, giá thành hợp lý hơn; họ tiếp cận được một số chi phí quản lý chung, vì thế giá thành của các công trình do tư nhân đầu tư xây dựng có thể thấp hơn các công trình sử dụng vốn Nhà nước.
Khắc phục vấn đề này, Bộ Xây dựng đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới hệ thống định mức đơn giá. Năm 2019, Bộ đã rà soát trên 14.000 định mức đơn giá về xây dựng, qua đó đã loại bỏ khoảng 2.000 đơn giá đã lạc hậu và sửa đổi, bổ sung một số đơn giá khác. "Chúng tôi tin rằng việc áp dụng định mức đơn giá này sẽ làm cho giá thành các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước giảm xuống.
Cùng với đó, Bộ sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo giá thành hợp lý, đúng đủ theo các quy định"- Bộ trưởng khẳng định. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết: Theo Đề án đổi mới hệ thống định mức đơn giá, đến năm 2021, chúng ta bắt đầu thực hiện hệ thống định mức đơn giá theo các phương pháp mới, khác hẳn các phương pháp hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hội nhập quốc tế.
Đinh Ngọc