Trong phiên thảo luận, đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 3 đại biểu Quốc hội tranh luận, không khí tranh luận sổi nổi, trí tuệ, dân chủ, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm cao, các ý kiến của đại biểu Quốc hội bao quát toàn diện các nội dung của dự án Luật.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao đối với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật quan trọng này. Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; là bước tiến mới trong chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền làm chủ của nhân dân; trên cơ sở đó hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này nói riêng và các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung. Trong đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi của dự thảo Luật, cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, thanh tra nhân dân.
Theo đó, các đại biểu đề nghị cần có hình thức công khai thông tin phù hợp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định đối với những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống với ngôn ngữ khác nhau, trước khi công khai cần phải dịch thông tin ra các thứ tiếng dân tộc thiểu số để niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc để công khai đọc các thông tin trên hệ thống truyền thanh cấp xã và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào trong dự thảo Luật quy định, ở những nơi không thể áp dụng các hình thức công khai thông tin quy định tại điểm b, g Khoản 1 Điều 10 của Luật thì được thay thế bằng các hình thức công khai khác phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số biết được thông tin vào tham gia góp ý, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị cần quy định chế tài cụ thể để đảm bảo dân giám sát, dân thụ hưởng; nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế đảm bảo cho các quyết định của cộng đồng dân cư; cần quy định rõ trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát và cần quy định nhân dân tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm, bản, làng.
Sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lấy thêm ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội vào tháng 10 năm 2022 theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động và biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Mai Lan