Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và một số nội dung quan trọng khác
Thứ Ba, 24/05/2022, 12:12
Zalo
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và thảo luận tại tổ về một số nghị quyết, báo cáo, kế hoạch.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và một số nội dung quan trọng khác
Theo đó, vào đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; nghe các báo cáo: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, sau đó các đại biểu thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Tham gia thảo luận ở hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đánh giá cao công tác lập và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay với nhiều cải tiến, đổi mới, thiết thực và hiệu quả; chất lượng các dự án, văn bản luật, Nghị quyết được nâng lên; đặc biệt đã kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng; xem xét thông qua các văn bản đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID - 19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt thể chế, tạo động lực cho phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo đại biểu, công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế và đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có những giải pháp đủ mạnh, quyết liệt hơn để khắc phục triệt để những hạn chế, trong đó cần kiên quyết hơn trong việc không tiến hành thẩm tra, xem xét cho ý kiến, đối với những dự án luật trình không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo chất lượng.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia đóng góp ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn (TTXVN)
Góp ý cụ thể về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2022, đại biểu nhất trí với những nội dung đề nghị điều chỉnh. Trong đó có việc cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật đất đai sửa đổi từ kỳ họp thứ ba sang kỳ họp thứ tư để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy yêu cầu sửa đổi Luật đất đai là rất cấp thiết. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4 đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Về dự kiến chương trình năm 2023, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, triển khai các yêu cầu tại các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, các điều ước quốc tế mà Việt Nam làm thành viên, đặc biệt là những vấn đề yêu cầu thực tiễn đặt ra để trên cơ sở đó khẩn trương, nghiên cứu, bổ sung vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Trong đó, quan tâm xem xét vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay, đó là phải nghiên cứu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao- đây là một trong ba khâu đột phá phát triển đất nước.
"Yêu cầu đặt ra là phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động hiện đại, thông thoáng, thống nhất; nâng cao hiệu quả đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn nữa kinh tế số và kỷ nguyên công nghệ số đang mang đến những cơ hội bứt phá về năng suất lao động, phát triển nhân lực chất lượng cao nhưng chính cơ hội này cũng là thách thức, đòi hỏi phải có những đổi mới trong quản lý Nhà nước về đào tạo, phát triển và sử dụng lao động. Từ thực tiễn đó, tôi đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung dự án Luật việc làm sửa đổi để đưa vào Chương trình"- đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.
Buổi chiều, sau khi nghe các báo cáo, tờ trình về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết này, đồng thời thảo luận về báo cáo Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở Tổ 15 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Hà Tĩnh và Ninh Thuận.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ. Ảnh: CTV
Tham gia thảo luận tại tổ về nội dung đề nghị ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc đầu tư cho tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì địa phương này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực này. Nhưng đã đầu tư cho 1 địa phương nhiều tiềm năng lợi thế như vậy thì công tác quy hoạch là nội dung quan trọng.
Trong khi đó, Khánh Hòa là tỉnh chưa có quy hoạch được phê duyệt. Và tại tờ trình nghị quyết cũng chưa đề cập đến quy hoạch được phân khu. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn việc thực hiện quy hoạch. Đối với một số nội dung giao cho HĐND tỉnh Khánh Hòa xem xét quyết định, đại biểu đề nghị Chính phủ cần giao cho các bộ chuyên ngành phối hợp với HĐND tỉnh Khánh Hòa để triển khai thực hiện.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện thí điểm; nâng cao vai trò của Thanh tra Nhân dân trong việc giám sát thu hồi giải phóng mặt bằng, giám sát các công trình được đầu tư; có phương án bố trí các khu tái định cư một cách khoa học…
Ngoài ra, trong phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu cho rằng để Khánh Hòa hưởng lợi từ chính sách này cần có chiến lược cụ thể vào các ngành, lĩnh vực, trong đó ưu tiên phát triển tại khu kinh tế Vân Phong, đưa Vân Phong trở thành khu kinh tế điểm về phát triển kinh tế biển.
Thảo luận về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, các đại biểu đề nghị cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đường Hồ Chí Minh một cách đồng bộ, kết nối hợp lý giữa đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không tạo thành hệ thống giao thông vận tải thông suốt, hiệu quả.