Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiếp tục chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về lĩnh vực ngân hàng. Trong phiên chất vấn đã có 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 5 đại biểu tranh luận.
Tham gia chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu: Thời
gian qua các chuyên án đấu tranh với tội phạm đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia cho thấy các đối tượng này chuyển những số tiền cực lớn. Điều này cũng đã bộc lộ sự yếu kém trong công tác kiểm soát và quản lý các cổng thanh toán.
Do đó đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết trách nhiệm của ngành Ngân hàng trong việc kiểm soát, quản lý cổng thanh toán quốc gia và giải pháp trong thời gian tới của ngành Ngân hàng để phòng, chống vấn đề này?
Bên cạnh đó, đại biểu cũng trao đổi với Thống đốc Ngân hàng về việc giải quyết nợ xấu. Theo đại biểu: Qua theo dõi nhiều diễn đàn ngành Ngân hàng đều xác định có trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng tín dụng đen, tức là bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người lao động và các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. Thế nhưng qua trả lời của Thống đốc vẫn chưa rõ. Do đó, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết thêm về vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Khanh về phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền qua biên giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Các giao dịch thanh toán qua biên giới phân ra thành rất nhiều loại hình giao dịch. Những giao dịch vãng lai, như giao dịch về hàng hóa, dịch vụ hay chuyển tiền phục vụ cho mục đích tiêu dùng vãng lai thì các tổ chức, cá nhân được tự do thực hiện. Mỗi ngày, thanh toán loại này nhiều triệu giao dịch.
Đối với các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát trước, bởi vì như vậy sẽ ách tắc toàn bộ các giao dịch. Trong các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra những chứng từ. Các tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về sự chính xác của chứng từ đó.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đã có quy định về phòng, chống rửa tiền. Tất cả các giao dịch đối với ngoại tệ trên 1.000 USD sẽ được đưa vào hệ thống của giao dịch đáng ngờ. Qua phân tích dữ liệu này nếu như có những trường hợp bất thường, những dấu hiệu nghi ngờ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển cho các cơ quan pháp luật điều tra, xác minh.
Còn đối với nhu cầu thanh toán theo lệnh của chủ tài khoản thì các tổ chức tín dụng phải thực hiện thanh toán. Đương nhiên doanh nghiệp và người dân là chủ tài khoản phải nhận thức được những giao dịch nào bị cấm không thực hiện và những giao dịch nào được thực hiện.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tín dụng đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, công tác này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong đó, Bộ Công an là chủ chốt, được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì.
Về phía Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ tăng cường các kênh cung ứng vốn chính thức. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định hiện đã ban hành đầy đủ khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cho vay đối với các cá nhân, đặc biệt là những cá nhân người tiêu dùng nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải việc tiếp cận tín dụng khó khăn đối với cá nhân là do không có tài sản đảm bảo khi đó cho vay sẽ có những rủi ro. Chính vì vậy công ty tài chính tiêu dùng sẽ cung cấp ở phân khúc này, khi đó lãi suất phải cao để bù đắp được những rủi ro khi người dân không trả được nợ. Với phân khúc này thủ tục cho vay vốn rất đơn giản và thuận tiện.
Còn đối với các tổ chức tín dụng, các cá nhân tiếp cận những khoản vay nhỏ lẻ sẽ khó khăn hơn, bởi vì bản thân các tổ chức tín dụng họ lựa chọn các phân khúc để phục vụ các khách hàng, còn những khách hàng nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa sẽ qua các kênh công ty tài chính tiêu dùng, những hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.
Sau phần chất vấn về lĩnh vực Ngân hàng, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải, bao gồm các nội dung: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Tại các phiên chất vấn, đã có hơn 266 lượt đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận, đã có 131 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn. Các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi phản ánh sát với diễn biến thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của cử tri, nhân dân, với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít có sự trùng lặp; có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ vấn đề.
Các Bộ trưởng cho dù là người mới trả lời chất vấn lần đầu hay có đã có nhiều kinh nghiệm trả lời chất vấn cũng đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách; thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp, trong đó có những vấn đề đã tồn tại qua nhiều kỳ họp đã được trả lời một cách tương đối đầy đủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng các Bộ, ngành với ý thức trách nhiệm cao đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề mà Quốc hội, đại biểu quan tâm.
Qua phiên chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề là đúng, trúng, trong đó có nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách đầy đủ và căn cơ, cũng có nhiều vấn đề mới phát sinh, do đó đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân và của chính các vị đại biểu Quốc hội.
Kết quả của phiên chất vấn cho thấy sự cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với nhóm vấn đề vừa được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.
Đinh Ngọc