Trong quá trình thảo luận, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu. Nhìn chung ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý nợ công và các đại biểu Quốc hội đã tham gia vào nhiều nội dung của dự thảo luật và đề nghị rà soát các điều, khoản trong dự thảo luật cho chặt chẽ, hợp lý, nhất là về phạm vi nợ công, thẩm quyền, phân công trách nhiệm, trách nhiệm quản lý nợ công, chỉ tiêu an toàn nợ công; Chỉ tiêu an toàn chiến lược, chương trình và kế hoạch vay trả nợ công; Quỹ tích lũy trả nợ.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại Đoàn về nội dung này.
Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 5 - chính sách của nhà nước về phát triển đường sắt, Điều 6 - ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt và toàn văn Luật Đường sắt (sửa đổi).
Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Trong quá trình thảo luận, đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu và 8 đại biểu tranh luận.
Qua ý kiến thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi cần sửa đổi toàn diện luật này. Trong phiên họp, các vị đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: về vấn đề hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh, mạo danh, bảo vệ người tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo, thời gian giải quyết tố cáo, hiệu lực tố cáo, trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, phạm vi sửa đổi của dự thảo luật được điều chỉnh từ luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang luật sửa đổi trong một khoảng thời gian không lâu, trong khi nhiều quy định mới được bổ sung có tác động rất lớn tới xã hội, nhất là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi của dự án luật, đại biểu đề nghị Quốc hội dành thêm thời gian để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, sâu sắc hơn và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp tiếp theo.
Cũng có ý kiến cho rằng do thời gian chuẩn bị gấp, nhiều nội dung dự thảo luật còn chung chung và không khả thi, vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án luật theo quy trình tại 3 kỳ họp
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng xem xét thông qua dự án luật này tại 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp Quốc hội là vấn đề quan trọng và khó khăn. Nếu theo quy trình thông qua tại 2 kỳ họp thì sau kỳ họp này Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ chịu trách nhiệm chính phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan để hoàn thiện, chỉnh lý dự án và trình lại Quốc hội tại kỳ họp thứ tư để thông qua.
Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị phải thông qua tại 3 kỳ họp và cho rằng vấn đề quan trọng nhất là chất lượng và tính khả thi của dự án luật phải phù hợp với điều kiện hệ thống chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội của của nước ta và để bảo đảm tính khả thi thì phải xem xét qua 3 kỳ họp.
Về vấn đề này, sau phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, xin ý kiến đại biểu bằng phiếu thăm dò để quyết định.
Mai Lan