Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011 - 2016, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc và 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/nămvới 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm. So với trung bình giai đoạn 2006-2010, giảm 22 vụ (11,6%), giảm 1.567 người mắc (23,6%), giảm 25 người chết (47,5%).
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), tiếp đến nguyên nhân do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hóa chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm 26,6%).
Sau khi nghe báo cáo, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến thảo luận, tranh luận. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, các con số báo cáo nêu lên chỉ là "phần nổi". Trên thực tế, hàng năm còn nhiều vụ ngộ độc thực phẩm nhưng người dân thường tự xử lý, không đến bệnh viện nên không được ghi nhận.
Hơn nữa, các đại biểu cũng cho rằng, báo cáo chưa đề cập rõ trách nhiệm của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương đối với những hạn chế về công tác quản lý an toàn thực phẩm; trách nhiệm của chính quyền các cấp. Các đại biểu cho rằng nếu không chỉ rõ địa chỉ và không làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành nào, địa phương nào chưa làm tốt thì sẽ khó cải thiện được tình trạng này trong tương lai.
Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn hiện tượng cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, cuối cùng vẫn là thực phẩm không an toàn và người dân phải chịu hậu quả. Phòng, chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò "nhạc trưởng" điều hành, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
Về giải pháp, nhiều đại biểu đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, của báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm.
Đồng thời củng cố lại tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả tập trung đầu mối, bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho công tác an toàn thực phẩm theo dự toán. Đặc biệt là cho phép sử dụng 100% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho công tác an toàn thực phẩm cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Cần kiểm soát chặt chất xả thải từ các cơ sở sản xuất, đặc biệt từ các khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp vì nhiều thực phẩm nhiễm bẩn do nguồn nước cung cấp cho vật nuôi, cây trồng không được xử lý an toàn.
Xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, duy trì thường xuyên, thực chất công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và cán bộ, công chức lạm quyền, bao che, dung túng cho thực phẩm bẩn, tức là sẽ được tiến hành thường xuyên, không phải chỉ trong những tháng cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm mới tiến hành.
Phát huy vai trò của người tiêu dùng trong giám sát và tố cáo các hành vi sản xuất không an toàn. Có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn...
Mai Lan