Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi Dự án Luật bởi đây là dự luật quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế và chiến lược biển Việt Nam.
Tham gia góp ý cụ thể về khoản 9, điều 3, đại biểu cho rằng dự thảo chỉ nêu tổ chức cộng đồng tham gia hoạt động khai thác thủy sản là chưa đầy đủ, vì tại điều 12 của dự thảo có quy định: "Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản phải trả phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí" và khoản 2, điều 15 (bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Và trên thực tế, không chỉ có mỗi tổ chức mà còn có rất nhiều cá nhân, hộ gia đình đang tham gia hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Vì vậy, để đồng nhất với các luật khác đã quy định về hoạt động thủy sản cũng như thực tế đang triển khai tại các địa phương, đại biểu đề nghị dự thảo bổ sung thêm chủ thể "cá nhân" trong quy định quyền khai thác nguồn lợi thủy sản.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị nên đưa khoản 4, điều 92 về thành một điều khoản thuộc điều 6 của dự thảo như vậy sẽ khoa học hơn. Đồng tình với phương án quy định cơ quan Kiểm ngư, bao gồm Kiểm ngư Trung ương và cơ quan Kiểm ngư cấp tỉnh, tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong tổ chức thực hiện điều luật này cần tổ chức sao cho không tăng biên chế mà cần tăng về năng lực thực thi nhiệm vụ và tăng về thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét khái niệm "lệnh" được quy định tại điều 92 dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) xem có trùng với khái niệm "lệnh" ở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu như khái niệm lệnh có ý nghĩa như nhau thì khái niệm này đang vi phạm về thẩm quyền. Bởi nếu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ có Chủ tịch nước mới có thẩm quyền ban hành về "lệnh".
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, hiện Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) có rất nhiều nội dung giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn chi tiết (32 nội dung), do vậy đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn nữa trong luật để thực hiện có hiệu quả và hiệu lực ngay, hạn chế những nội dung giao cho các bộ, ngành hướng dẫn chi tiết.
Góp ý cụ thể tại Khoản 2, điều 44, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, hiện nay dự thảo quy định: "Ủy ban nhân dân cấp huyện giao mặt nước biển không thu tiền sử dụng mặt nước biển cho cá nhân sinh sống tại huyện đó trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại xác nhận hoặc phải chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo quy định của pháp luật".
Việc làm này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng phải có thu tiền sử dụng mặt nước để nâng cao công tác quản lý và tăng nguồn thu cho địa phương và cũng là để phục vụ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến vùng nuôi trồng thủy sản.
Góp ý về Luật Bảo vệ phát triển rừng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung thêm từ "loài tre" tại khoản 2, điều 3. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, quy định tại khoản 1, điều 56 "Chủ rừng có diện tích rừng lớn, tập trung, dễ cháy phải có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, phải thiết kế và xây dựng đường ranh, kênh, mương ngăn lửa, chòi canh lửa, biển báo, hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" điều này chưa đủ và chưa phù hợp, đại biểu đề nghị cần quy định tất cả các chủ rừng đều phải có trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn và đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia góp ý về chính sách của Nhà nước trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi); tổ chức cộng đồng quản lý hoạt động thủy sản; đồng thời tham gia góp ý cụ thể về điều 17, 18, 19 dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi)... Các đại biểu cũng tham gia góp ý về một số điều của dự án Luật Bảo vệ phát triển rừng (sửa đổi).
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về: Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Đinh Ngọc