Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này, ngoài việc sửa đổi một số nội dung liên quan đến hoàn thiện hệ thống quy hoạch, đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch…, đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Dự thảo Luật quy định không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan. Đồng thời, phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được hội đồng nhân dân tỉnh thông qua…
Một nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi là sẽ bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để không có khoảng trống pháp lý, không gián đoạn trong quản lý Nhà nước về quy hoạch làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện cho đến hết thời kỳ quy hoạch hoặc cho đến khi được thay thế theo quy định pháp luật. Trường hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đang thực hiện điều chỉnh nhưng chưa được quyết định hoặc phê duyệt thì được lựa chọn tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch hoặc thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục đơn giản hóa theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Luật này và được kế thừa những nội dung phù hợp khi thực hiện điều chỉnh.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá đây là dự án có nhiều nội dung kỹ thuật sâu và khó, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết và nhiều nội dung mới tiến bộ trong dự thảo luật; đồng thời tập trung góp ý vào những quy định nhằm xử lý những vấn đề cấp bách, cấp thiết cần xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, đồng thời, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.