Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về một số Dự án Luật
Thứ Ba, 06/05/2025, 18:26
Zalo
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 6/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về các Dự án Luật: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Các vị ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trao đổi làm rõ về sự cần thiết phải ban hành Dự án Luật.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ 12.
Cho ý kiến cụ thể về Điều 4 (Nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ nguyên tắc cơ bản của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành một điều khoản; chính sách Nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành một điều. Như vậy vừa tường minh, vừa mạch lạc và vừa dễ để tổ chức thực hiện, cũng như tạo thuận lợi cho Chính phủ cụ thể hóa thành các nghị định, thông tư. Trong đó, đối với các chính sách hỗ trợ cần căn cứ trên cơ sở tổng kết thực tiễn và cụ thể hóa các nghị quyết mới được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Đối với quy định về Tổ chức khoa học và công nghệ công lập đặc thù (Điều 24), Phó Chủ tịch Quốc hội tán thành sự cần thiết có quy định trong luật để thúc đẩy có nhiều hơn những cơ sở nghiên cứu của các nhà khoa học xuất sắc về vấn đề này. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việc xác định tính chất đặc thù để áp dụng những cơ chế riêng về tài chính, tổ chức, bộ máy, biên chế và nhân sự là rất cần thiết với một tinh thần khai phóng. Đã là đột phá vào công nghệ thì trong Luật cũng cần phải có tính đột phá, tiên phong mang tính khai phóng, sáng mở, gợi mở và phải sáng tạo.
Nhấn mạnh tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của đại biểu Quốc hội qua những kỳ họp gần đây, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rà soát lại kỹ thuật lập pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đồng thời cần mạnh dạn có cơ chế đột phá đặc cách đặc biệt, đặc thù trong việc thực hiện các nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ. Trong đó cần mạnh dạn có những cơ chế “đặt hàng” để đẩy mạnh vai trò của kinh tế tư nhân.
Cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng một trong những nội dung căn bản rất quan trọng của việc sửa đổi lần này đó là phân nhóm hàng hóa để không lẫn lộn giữa nhóm 1, nhóm 2. Do đó, cần phải rà soát trong việc phân loại các nhóm hàng hóa và các đặc tính của nhóm hàng hóa này để có chính sách phù hợp. Đồng thời đề nghị cần rà soát, nghiên cứu một cách thấu đáo xây dựng Bộ tiêu chuẩn thật nghiêm ngặt quy chuẩn, kỹ thuật, khoa học tiên tiến, đề cao trách nhiệm những chủ thể trực tiếp liên quan đến chất lượng sản phẩm. Cần nghiên cứu sửa đổi một cách hợp lý Bộ quy định công bố hợp quy sản phẩm đã quy định cách đây 20 năm nhưng nhiều quy định còn lạc hậu mà chưa được sửa đổi.
Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với sự cần thiết ban hành Dự án Luật nhằm phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại một số quy định để đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Góp ý cụ thể về các điều khoản quy định tại Điều 20 của Dự án luật (Khung nguyên tắc để xác lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với quy trình, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới), đại biểu cho rằng hiện nay, trong Luật Thủ đô, dự án Luật công nghiệp công nghệ số đều có quy định cụ thể về vấn đề này, do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống Luật.
Góp ý về kết cấu và bố cục của dự án Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thấu đáo những ý kiến trong Báo cáo thẩm tra để có sự chỉnh lý cho phù hợp.
Đối với các quy định về chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thể chế hóa tối đa tinh thần ưu đãi hỗ trợ đầu tư tài chính theo Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó cần lưu ý đến các quy định đảm bảo hài hòa giữa các chính sách ưu đãi hỗ trợ tài chính cho công nghệ đổi mới, sáng tạo với hoạt động quản lý nhà nước nhằm tránh tình trạng trục lợi chính sách dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản công. Đồng thời cần quy định các vấn đề về tăng cường hơn nữa tính minh bạch tài chính và công bố công khai tăng tính phản biện xã hội và hạn chế gian lận trong nghiên cứu khoa học; quy định rõ hơn về tăng cường và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và các tổ chức chủ trì nghiên cứu.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo đại biểu, hiện nay, trong dự thảo Luật chưa xác định rõ người nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài có thuộc đối tượng được thu hút và trọng dụng nhân tài hay không. Cần quy định cụ thể theo hướng xác định đối tượng người nước ngoài và đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài cũng sẽ là đối tượng thu hút, để được thu hút và trọng dụng nhân tài.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, nghe các báo cáo, Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.