Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách ưu đãi sử dụng năng lượng tiết kiệm
Thứ Bảy, 10/05/2025, 20:16
Zalo
Chiều 10/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.
Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thành Công, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi các nội dung của Dự Luật này. Theo đại biểu, việc sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hoá kịp thời các chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và liên quan đến biến đổi khí hậu; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển cũng như các yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, một số quy định về chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (khoản 2, Điều 1) vẫn còn chung chung và chưa gắn với các quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể ở các điều, khoản khác trong Luật. Mặt khác, bên cạnh các chính sách được quy định tại Điều này thì một số chính sách khác của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được quy định rải rác ở các điều khoản khác, chưa tập trung quy định ở 1 điều. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, có quy định phù hợp, rõ ràng hơn.
Dành nhiều quan tâm đến các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Công cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Nguyễn Thành Công(Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia thảo luận tại Tổ.
Đề nghị cân nhắc quy định có liên quan đến trách nhiệm áp dụng biện pháp công nghệ vào quản lý của cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng là xăng, dầu khí, than để bảo đảm tính rõ ràng, phù hợp, khả thi do các nội dung quy định về tăng cường kiểm soát tổn thất, hao hụt xăng, dầu, than trong các khâu khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, phân phối, tồn trữ trong hệ thống cung ứng của doanh nghiệp còn chung chung, chưa rõ biện pháp để thực hiện kiểm soát; quy định liên quan đến định mức hao hụt xăng, dầu đang được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật.
Về các quy định ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu đồng tình với việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, các quy định của Quỹ trong Dự thảo Luật còn mang tính chung chung, đề nghị làm rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa, mục đích, nguồn vốn của Quỹ, rà soát với các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, bảo đảm sự cần thiết và hiệu quả hoạt động của Quỹ, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật, rõ ràng về nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ.
Đồng thời, cân nhắc xét trong mối tương quan với việc hình thành và vận hành 6 Quỹ được đề xuất tại dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Góp ý về quy định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đại biểu đề nghị nghiên cứu có quy định rõ ràng nếu không sẽ khó khả thi và đạt hiệu quả khi triển khai thực hiện; trong đó nghiên cứu cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng tiếp cận công nghệ mới dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, đề nghị bổ sung và làm rõ hơn các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với từng đối tượng, tránh quy định mang tính chất chung chung, định tính, để bảo đảm có tác động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả một cách thực chất, có hiệu quả.
Đề nghị cần có quy định về mô hình công ty dịch vụ năng lượnglàm cơ sở để quy định cụ thể hơn tại các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để phát triển mô hình. Trong đó cần xác định rõ nội hàm mục đích hoạt động, nội hàm quản lý đối với Công ty dịch vụ năng lượng.
Cũng trong phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.