Trong phiên thảo luận buổi sáng, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến đó là về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Đa số các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình với đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Theo đó, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về về tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách những tháng đầu năm nay.
Mặc dù nền kinh tế có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, các đại biểu đều đánh giá, mức tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng quý I chủ yếu là do đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng, trong khi nông, lâm nghiệp và thủy sản- lĩnh vực chủ lực của Việt Nam lại ở có mức tăng thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước.
Đồng thời tăng trưởng đang phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI bởi theo tính toán khu vực FDI đóng góp tới 65% - 67% tổng kim ngạch xuất khẩu; tạo nguồn ngoại tệ dồi dào và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tác động của khối doanh nghiệp FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Vậy nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường có tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta. Một trong những vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đó là tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và nợ xấu chưa được xử lý theo hướng bền vững.
Các đại biểu cũng cho rằng, chủ trương xã hội hóa huy động sức dân phục vụ cho đầu tư phát triển mà Chính phủ đề ra thời gian qua là phù hợp. Tuy nhiên, việc thực hiện này cần theo lộ trình và phù hợp với sức dân. Một trong những lĩnh vực khiến nhiều cử tri có ý kiến tình trạng quá nhiều loại phí đè nặng lên vai người dân như học phí, viện phí, lộ phí, đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc chậm thực hiện các gói tín dụng, trong đó có gói tín dụng theo Nghị định 67 của Chính Phủ hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, phục vụ đánh bắt xa bờ, chủ trương tái định cư cho đồng bào dân tộc miền núi…
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế vùng bằng các đề án phát triển cụ thể, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp và vấn đề di dân tự do đang báo động tại các tỉnh Tây Nguyên.
Liên quan đến vấn đề nguồn lực, các đại biểu cũng nêu thực trạng năng suất lao động qua đào tạo của Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore. Nguyên nhân chủ yếu là cơ cấu lao động ở nhóm nông- lâm- ngư nghiệp còn cao, chất lượng đào tạo lao động còn thấp, trình độ tổ chức, quản lý và sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả…
Cũng trong phiên thảo luận, rất nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về tình trạng tiêu thụ - xuất khẩu nông sản, các mặt hàng mất giá, thủy sản liên tiếp gặp vấn đề trên thị trường thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh đời sống của người nông dân ngày càng khó khăn.
Có đại biểu cho rằng, các giải pháp kinh tế được Chính phủ đề ra nhưng nặng yếu tố vĩ mô, chưa thấy giải pháp thiết thực mang tính thuyết phục. Do vậy mà điệp khúc "được mùa - mất giá" vẫn cứ tiếp tục. Các đại biểu đề nghị Chính phủ thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản, phân phối phù hợp, khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá.
Nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì thì bài toán hội nhập kinh tế sẽ là gánh nặng lớn chỉ giải quyết được 50%. Chính phủ cần vạch ra những chính sách dài hơi hơn như dự báo, đưa công nghệ vào để có những sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, thành lập chuỗi liên ngành đặc biệt là hệ thống phân phối.
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Mai Lan