Thảo luận tại hội trường, ý kiến của các đại biểu cho rằng tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND là quan trọng, quyết định chất lượng đại biểu, chất lượng cơ quan dân cử. Vì vậy cần thiết phải "luật hóa", quy định tiêu chuẩn đại biểu một cách cụ thể trong luật.
Đối với cơ cấu thành phần đại biểu HĐND, ngoài các đại biểu chuyên trách có ý kiến đề nghị nên chọn những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, uy tín cao trong dân cư, không công tác ở cơ quan công quyền (như kỹ sư giỏi, nông dân giỏi, cựu chiến binh, công chức nhà nước trung cao cấp đã nghỉ hưu…. ).
Có đại biểu góp ý, Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi ĐBQH phải có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ, kỹ năng, khả năng tổng hợp phân tích đánh giá. Ngoài những tiêu chuẩn chung thì cũng cần phải đưa ra tiêu chuẩn riêng với đại biểu HĐND các cấp về trình độ, chuyên môn… ví như đại biểu HĐND cấp tỉnh khác với đại biểu HĐND cấp xã.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu đồng tình với đề xuất chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là nữ phải đảm bảo ít nhất 35%, người dân tộc thiểu số ít nhất 18% (Điều 8), song đại biểu bày tỏ băn khoăn cho rằng, tỷ lệ ứng cử là người dân tộc thiểu số như vậy vẫn còn quá thấp. Vì khi "chốt" con số trúng cử cũng chỉ được tối đa 10 - 12%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều người dân tộc thiểu số hiện tại. Do đó, đại biểu đề nghị phải nâng tỷ lệ ứng cử viên và người dân tộc thiểu số là 20%; tỷ lệ ứng cử đại biểu nữ nâng lên 38% để phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới…
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật trưng cầu ý dân và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.
Mai Lan