Tại buổi làm việc, đã có 25 đại biểu phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau: Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình oan, sai, bức cung, nhục hình trong thời gian qua; trách nhiệm của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân; nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình hình bức cung, nhục hình, oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; các giải pháp khắc phục; tình hình bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự…
Về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, nhiều đại biểu đánh giá công tác này làm còn chậm, cầm chừng. Từ đó đề nghị một số giải pháp như: cần nhanh chóng giải quyết việc bồi thường cho người bị oan, sai; Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề này. Bên cạnh vấn đề về bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai, các đại biểu cũng đề nghị xem xét, kiên quyết điều những người có năng lực yếu, trình độ kém, đã làm oan người vô tội ra khỏi bộ máy cơ quan tố tụng; đề nghị làm rõ vấn đề về trách nhiệm của người thi hành công vụ có lỗi, gây thiệt hại…
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Về giải pháp tránh oan, sai, đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị các cơ quan tố tụng phải có giải pháp khắc phục những bất cập, tiếp tục hoàn thiện việc hướng dẫn thực hiện pháp luật thuộc phạm vi của mình; chủ động phối hợp điều tra liên ngành trong công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh làm oan, bỏ lọt tội phạm.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt là các giải pháp ngành hướng tới để giảm oan, sai trong quá trình áp dụng pháp luật.
Nói về các biện pháp để giảm oan, sai, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ biện pháp quan trọng, cơ bản, chủ yếu hàng đầu trong phòng, chống oan, sai, đó là đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật đi liền với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy trình làm việc và quy chế cộng tác. Công tác thanh tra, nhất là thanh tra trong khởi tố, bắt giam giữ phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng phát hiện sớm sai phạm để tập trung phối hợp xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng. Ngành chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, ngăn ngừa hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình trong công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm.
Bộ trưởng nhấn mạnh cần đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp và thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra. Thủ trưởng cơ quan điều tra công an các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn đối với phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên, nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết điều chuyển khỏi cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra các vụ án hình sự. Thủ trưởng cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình, các vụ án có cán bộ, chiến sỹ công an bị khởi tố, bị kỷ luật do để ra oan sai, bức cung, nhục hình sẽ phải xử lý trách nhiệm liên đới. Bộ trưởng cho biết, Bộ đang có kế hoạch tiếp tục tăng cường lực lượng điều tra viên cho cơ quan điều tra ở các địa phương trọng điểm, để khắc phục tình trạng quá tải đối với một số địa phương, các vụ án hình sự quá nhiều nhưng lực lượng điều tra viên còn thiếu. Bên cạnh đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, trình độ pháp luật cho đội ngũ điều tra viên.
Mai Lan