Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 29/5, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán; Dự án Luật phí, lệ phí. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Long An, Đắc Nông và Kiên Giang. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham dự buổi thảo luận tại tổ.
Đối với Luật Kế toán, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào 6 vấn đề chính: Phạm vi sủa đổi, bổ sung Luật; báo cáo tài chính nhà nước; kiểm tra kế toán; hành nghề dịch vụ kế toán; chứng chỉ hành nghề kế toán. Đối với Dự án Luật Phí, lệ phí, các đại biểu cho ý kiến vào một số vấn đề: Danh mục phí và lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí; các hành vi nghiêm cấm; chế độ thu, nộp…
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng đây là những Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc sử dụng các dịch vụ của người dân và phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phí, lệ phí, đại biểu Đinh Trịnh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, phí và lệ phí là vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống người dân, do đó, mục tiêu của dự án luật là rà soát lại các loại phí, lệ phí và xác định nghĩa vụ đóng góp của dân một cách phù hợp, tránh ban hành tràn lan các loại phí, lệ phí. việc phân loại phí và lệ phí như trong Dự thảo là chưa rõ, vì vậy đề nghị cần phân định rõ, làm tăng tính minh bạch; cần quy định cụ thể các khoản thu phí, đối tượng thu phí và nên bãi bỏ một số khoản phí không còn phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị nên thống nhất phương thức thu, nộp phí, lệ phí và thống nhất tỷ lệ phần trăm một số loại phí trước bạ trên cả nước…
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật kế toán. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Dự thảo cần quy định rõ cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm lập báo cáo tài chính.
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc cho phép hạch toán, điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán theo giá trị hợp lý sẽ là nội dung có thể tạo kẽ hở để phát sinh các trường hợp ghi khống, ghi giá trị ảo của tài sản, khó khăn trong quản lý, kiểm soát, đánh giá giá trị thực chất của tài sản. Vì vậy, nên cân nhắc bỏ nội dung này vì trùng lặp với quy định về yêu cầu của thông tin kế toán…
Mai Lan