Ngày 2/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu làm việc ở hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ngân sách nhà nước sửa đổi (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Trong ngày làm việc, các đại biểu giành nhiều thời gian thảo luận ở tổ về Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Long An, Đắc Nông và Kiên Giang. Các đồng chí: Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham dự buổi thảo luận tại tổ.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã tán thành việc phải công khai, minh bạch trong việc sử dụng ngân sách, đặc biệt là việc bổ sung ngân sách cho các địa phương. Có ý kiến cho rằng, Luật đã quy định nội dung, công khai cụ thể, nhưng chỉ phù hợp với cấp ngân sách, chưa thể hiện rõ công khai thu từ nguồn quỹ đóng góp của nhân dân, do đó phải công khai từ khâu dự toán, đến quyết toán.
Các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo Luật mới cũng đã kế thừa Luật ngân sách nhà nước (NSNN) hiện hành. Chỉ tiêu thu, chi NSNN cấp trên giao cho cấp dưới là chỉ tiêu pháp lệnh. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương phải có sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương để hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao. Mặt khác, để động viên, khuyến khích các địa phương chăm lo, chỉ đạo công tác thu ngân sách, nhất là các địa phương trọng điểm thu thì việc quy định thưởng vượt thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương là cần thiết…
Tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đồng tình với phương án 2, Điều 9, Dự thảo luật (Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra). Theo đó, đại biểu cho rằng nên bổ sung quy định Bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì đất nước chúng ta ngày càng mở cửa, tham ga hội nhập ngày càng sâu rộng; công nghệ khoa học phát triển mạnh, đặc biệt là công nghệ thông tin, các hình thức kinh doanh ngày càng phát triển. Trong quá trình hội nhập, các loại tội phạm ở các lĩnh vực có chiều hướng gia tăng. Do vậy, việc các cơ quan như Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ đáp ứng được yêu cầu chuyên sâu hơn trong đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm ở các lĩnh vực mà các cơ quan trên phụ trách. Ngoài ra, đại biểu cũng phát biểu thảo luận về: những nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; quy định phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân…
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình) đề nghị bổ sung Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc bổ sung Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù như thuế, chứng khoán. Kinh nghiệm của các nước cho thấy những cơ quan này đều được giao thẩm quyền điều tra. Cùng với đó, việc giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu góp phần giảm tải ở các cơ quan điều tra chuyên trách. Đại biểu cho rằng, riêng việc bổ sung cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì Dự thảo nên tính toán lại vì chưa cần thiết.
Mai Lan