Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Cà Mau, Bắc Kạn, Phú Yên tham gia thảo luận tại tổ số 19.
Thảo luận về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn về việc phân định chính quyền nông thôn, đô thị trong Dự thảo chưa rõ ràng. Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo điều 3 của Dự thảo luật, đại biểu nhất trí với phương án 2. (Điều 3: Các đơn vị hành chính quận, phường tổ chức ủy ban nhân dân - Phương án 2 (HĐND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính): Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn -P.V).
Đại biểu cho rằng, áp dụng phương án này là phù hợp với tính chất Nhà nước pháp quyền XHCN, việc "kiểm soát" quyền lực được trao về nhân dân, cơ quan kiểm soát quyền lực của nhân dân là HĐND các cấp. Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay trong Dự thảo luật chưa quy định rõ địa vị pháp lý của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; cần quy định rõ thường trực HĐND chỉ đạo, điều hòa phối hợp các ban HĐND; cần quy định Thường trực HĐND tỉnh là cấp dưới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và là cấp trên của Thường trực HĐND cấp dưới. Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ sau khi bầu xong chủ tịch UBND thì cần thực hiện nhiệm vụ ngay, có hiệu lực ngay vì thời gian chờ phê chuẩn cần một thời gian nhất định nhưng công việc của UBND thì rất nhiều và cần phải điều hành ngay.
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các đại biểu nhấn mạnh đến việc làm rõ các quy định về quyền hạn trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong quản lý điều hành đất nước. Theo các đại biểu, dự luật cần phải đề cao chế độ trách nhiệm của từng vị trí trong Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên, làm rõ chế độ phân cấp về quản lý, trách nhiệm giữa bộ, ngành và địa phương, cũng như cần phải xác định rõ trách nhiệm cuối cùng trong điều hành quản lý Nhà nước về các lĩnh vực thuộc về các bộ…
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Ninh Bình) cho rằng nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ cần được quy định cụ thể hơn nữa. Ví dụ, nên quy định cụ thể về thực hiện quyền hành pháp là những quyền gì? Việc Chủ tịch nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội là chịu trách nhiệm những vấn đề gì? Trên nguyên tắc làm việc theo tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm, đại biểu Bùi Văn Phương cũng đề nghị nên cân nhắc cụm từ "Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ" (Khoản 2, Điều 3 Dự thảo). Cần phân định rõ những nội dung làm việc chế độ tập thể? Thủ tướng chịu trách nhiệm ở nội dung gì?...
Mai Lan