Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Qua thảo luận đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, kịp thời của Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ, đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình.
Các đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như Tờ trình;nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Các đại biểu cũng cho rằng sau 14 năm triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự giao thông trên toàn quốc.
Tuy nhiên, thực tiễn đã xuất hiện một số bất cập và tồn tại, các vấn đề mới phát sinh, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện tại các thành phố lớn, các cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố thường xuyên xảy ra lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, gây tắc nghẽn trên diện rộng và tai nạn giao thông vẫn còn diễn ra ở mức độ nghiêm trọng.
Do đó, Chính phủ đã nghiên cứu tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ cho phù hợp, bảo đảm phân biệt phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung xem xét, đánh giá phân tích kỹ, đề xuất bổ sung nhiều nội dung, cũng như kỹ thuật văn bản cho phù hợp và kiến nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề như: Về quy định chung đối với đường cao tốc; về việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc; về hoạt động vận tải đường bộ; về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ...
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, kịp thời của Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của cơ quan thẩm tra và có báo cáo dự kiến tiếp thu cụ thể.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật; yêu cầu bổ sung cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng của người dân, an ninh quốc gia, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông. Đại biểu nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo Luật, cũng như hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị chu đáo, công phu.
Đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá, phân tích kỹ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý làm rõ thêm một số nội dung như: việc bổ sung xe của Viện Kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp là xe ưu tiên; quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; về thiết bị giám sát hành trình; quy định về giấy phép lái xe; an toàn giao thông cho học sinh; kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính; cứu hộ, cứu nạn; bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông; biện pháp chống người thi hành công vụ; tín hiệu giao thông; chống ùn tắc giao thông; cấp đổi giấy phép lái xe; dừng đỗ xe, cấm dừng đỗ xe; thiết bị giao thông thông minh; chuyển đổi số; đấu giá biển số xe; khám sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông; độ tuổi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vấn đề vận tải đường bộ; người đi bộ.
Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Mai Lan