Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về một số dự án luật, nghị quyết
Thứ Hai, 24/10/2022, 05:39
Zalo
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về một số dự án luật, nghị quyết
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị trong Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 13 cùng với các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề lớn của Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) liên quan đến mục đích, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi; sự phù hợp của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định trong dự thảo Nghị quyết.
Tham gia thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo, đồng thời tham gia góp ý cụ thể về các Điều 20, Điều 28 và Điều 42. Theo đó, góp ý về quy định hình thức biểu quyết tại kỳ họp. Đại biểu đề nghị nên quy định ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc gì biểu quyết và biểu quyết bằng hình thức nào. Đối với quy định về trang phục đại biểu (Điều 28), đại biểu đề nghị ngoài những quy định trang phục của đại biểu tham dự trong ngày khai mạc, bế mạc nên bổ sung quy định về trang phục của các đại biểu tại các phiên họp. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể vào điều 42 của dự thảo.
Cùng tham gia góp ý về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) đồng tình với quy định về công dân dự thính phiên họp công khai của Quốc hội, cho đây là nội dung tuy không mới nhưng thể hiện vai trò của Quốc hội, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Việc để công dân tham dự thính các cuộc họp công khai của Quốc hội cũng cho thấy Quốc hội gần dân hơn và cũng là để người dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp của mình đối với hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, để công dân thực hiện tốt quyền của mình cần quy định cụ thể hơn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để công dân dự thính các phiên hợp công khai của Quốc hội và có quy định về việc tiếp nhận các ý kiến đóng góp của công dân với kỳ họp của Quốc hội.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) phát biểu thảo luận tại tổ.
Tham gia thảo luận về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với điều chỉnh đối tượng áp dụng như dự thảo, đồng thời tham gia góp ý cụ thể về một số điều luật.
Theo đại biểu: Tại Điều 6 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 có quy định chính sách của nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Quy định này là cần thiết, thể hiện quan điểm của nhà nước đối với công tác quản lý về phòng, chống rửa tiền cũng như sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng, chống rửa tiền. Do đó, đại biểu đề nghị Dự thảo luật sửa đổi cần giữ nguyên Điều 6 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Theo đại biểu, hiện nay những quy định về giới hạn các giao dịch trong nhận biết khách hàng (Điều 9) vẫn còn chung chung. Trên thực tế, các đối tượng rửa tiền thường chia nhỏ các giao dịch và có thể thực hiện thông qua các tổ chức và cá nhân để tránh các giới hạn báo cáo và tránh sự giám sát. Do vậy, đề nghị cần có thêm quy định: đối tượng báo cáo cần báo cáo cho cơ quan chức năng về tổng khối lượng giao dịch của khách hàng và tổng khối lượng giao dịch của người có liên quan của khách hàng khi chúng vượt một mức nào đó trong khoảng thời gian nhất định.
Tham gia góp ý về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc ban hành luật sẽ chi phối rất nhiều đến hoạt động giao dịch kinh tế, tài chính trên môi trường mạng hiện nay và việc sửa đổi luật là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu cần quy định rõ báo cáo về các giao dịch đáng ngờ; Quy định rõ nhận biết khách hàng và xác minh thông tin…
Đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại tổ.
Trước đó, vào phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án luật này.
Trong phiên thảo luận đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý.
Tuy nhiên, đây là dự án Luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và có tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận cũng đã nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội góp ý cho những vấn đề chung cũng như những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật. Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề còn có ý kiến khác nhau về tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh; các quy định về chuyên môn, kỹ thuật; định hình hệ thống y tế; mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường; việc xã hội hóa; cơ chế tự chủ tài chính, hợp tác công tư…
Các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu, chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.