Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình với Dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Đại biểu khẳng định, Luật Khám, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, khả năng tiếp cận với dịch vụ và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám, chữa bệnh, góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới.
Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung như: về quản lý người hành nghề; về quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Các đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ thể chế Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội Khóa XV.
Do đó, các đại biểu khẳng định: để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý thì việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.
Trên cơ sở thực tế, căn cứ vào các quy định của Hiến pháp và một số pháp luật liên quan, các đại biểu tập trung thảo luận về 9 nhóm vấn đề trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội như: chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề; sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam; các quy định liên quan đến người hành nghề khám chữa bệnh; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...
Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu kiến nghị nhiều vấn đề như: đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề xuất thực hiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo quy hoạch đã nghiên cứu giai đoạn trước đây.
Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có quy định đảm bảo an toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn của đội ngũ nhân viên y tế; quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng y khoa quốc gia; cần có cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quan tâm phát triển y học cổ truyền; làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bổ sung chức danh chuyên gia trị liệu tâm lý vào nhóm chức danh nghề nghiệp khám, chữa bệnh; cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong mô hình bác sĩ gia đình và cần đánh giá, tổng kết, xác định phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình; cần quy định cụ thể về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế….
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Mai Lan