Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về một số dự án luật
Thứ Năm, 26/05/2022, 06:03
Zalo
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở Tổ 15 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Hà Tĩnh và Ninh Thuận.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về một số dự án luật
Tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý.
Góp ý cụ thể về trách nhiệm của cơ quan cấp phép cho cơ sở khám, chữa bệnh, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên lại chưa đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu trong tình trạng cấp phép sai, cấp phép cho các chủ thể không đủ năng lực dẫn đến hậu quả thì trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ như thế nào?
Do vậy đại biểu đề nghị dự thảo luật phải bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho cơ sở khám, chữa bệnh gắn với trách nhiệm giải trình và giám sát việc cấp phép, nhất là khi Nhà nước đã mở rộng xã hội hóa về công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời cũng phải quy định cụ thể trách nhiệm y đức của các chủ cơ sở phòng khám, chữa bệnh, nhất là phòng khám có yếu tố nước ngoài.
Góp ý cụ thể về điều 6 dự thảo luật (các hành vi bị cấm), đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm, đó là: "hành vi của chủ các cơ sở khám chữa bệnh trong việc ép người hành nghề khám chữa bệnh làm việc trái với chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp không đúng với quy định của pháp luật"; "hành vi lợi dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của cá nhân, tổ chức để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh".
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng dự thảo có tới 18 điều do Chính phủ quy định (chiếm 1/5 tổng số điều trong dự thảo luật) điều này gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai việc thực hiện Luật này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải xem lại 18 điều này. Góp ý cụ thể vào các khoản tại điều 25, đại biểu đề nghị nên có quy định khái quát vị trí pháp lý, mô hình tổ chức, hoạt động và nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng y khoa Quốc gia…
Đại biểu Đinh Việt Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh) nêu ý kiến trong phiên thảo luận tổ.
Tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh, đại biểu Đinh Việt Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đánh giá cao dự thảo được chuẩn bị công phu, sửa đổi, bổ sung được các quy định mới nhằm cụ thể hóa một bước Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, khắc phục được những hạn chế mà thực tiễn đã phát sinh.
Góp ý về các quy định liên quan đến điều kiện để cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng dự thảo vẫn chưa quan tâm đến nguồn nhân lực của ngành y. Theo đại biểu, các thầy thuốc giỏi được các cơ sở y tế sử dụng nhiều. Vì vậy dự thảo luật cần tạo hành lang pháp lý để đội ngũ y, bác sĩ giỏi được khám chữa bệnh có thể là trực tiếp tại một địa điểm và trực tuyến tại nhiều nơi, để có thể phát huy được năng lực của đội ngũ này. Bên cạnh đó, đại biểu góp ý cụ thể về những quy định xung quanh việc xử lý chất thải y tế.
Góp ý về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng Dự thảo luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra Nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành, đại biểu cũng đồng tình với việc việc tách nội dung thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra và chuyển sang các quy định của Luật thực hiện dân chủ tại cơ sở. Về tổ chức các cơ quan thanh tra, đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định rõ các tiêu chí thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương. Ngoài ra, đại biểu góp ý cụ thể về các điều khoản được quy định tại điều 6, điều 43 của dự thảo luật.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Qua thảo luận, cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật, cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã làm sâu sắc, toàn diện, cụ thể, rõ ràng và có giá trị lý luận và thực tiễn nhiều vấn đề trọng tâm như: bố cục của luật, về giải thích từ ngữ, về vị trí, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, về huy động người, phương tiện, thiết bị, về điều động cảnh sát cơ động, hợp tác quốc tế…
Trong đó, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật một cách rõ ràng ở từng điều luật cụ thể, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn của lực lượng cảnh sát cơ động. Nhiều đại biểu góp ý về các quy định liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm; về việc sử dụng phương tiện hiện đại cho cảnh sát cơ động; về quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động; việc vô hiệu hóa phương tiện bay; các nội dung hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; nguyên tắc hoạt động bảo đảm cho đặc thù của Cảnh sát cơ động; việc phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động…