Trong quá trình thảo luận, đã có 42 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc ban hành chính sách, pháp luật thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về kết quả thực hiện chương trình trong giai đoạn vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng qua 5 năm thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng trọng tâm của chương trình là cần thay đổi phương thức sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tạo sự phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp gắn với nâng cao thu nhập của người dân nhưng chưa đạt được yêu cầu đặt ra.
Các đại biểu cho rằng, việc tạo thế để tham gia hội nhập quốc tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn yếu; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, liên kết giữa 4 nhà trong một số mặt còn mang tính hình thức, chưa thực chất, thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm vẫn là lực cản trong phát triển nông nghiệp. Có ý kiến đại biểu băn khoăn với tình trạng còn nhiều xã được công nhận hoàn thành mục tiêu chương trình nhưng vẫn nợ tiêu chí hoặc không đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí đạt được chưa thật sự bền vững, chất lượng không cao, thậm chí có thể quay trở lại không đạt chuẩn.
Các đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương, còn có địa phương huy động quá sức dân trong quá trình thực hiện chương trình, nhất là những khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản vẫn diễn ra đã tạo ra những bức xúc trong nhân dân cần được xử lý nghiêm minh. Nhiều ý kiến cho rằng nguồn lực thực hiện chương trình chưa đảm bảo, còn quá ít, song phân bổ chưa hợp lý giữa các vùng, miền, địa phương, phân bổ kinh phí còn chậm, dàn trải, phân tán, không hiệu quả. Việc lồng ghép các chương trình, dự án khác thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn lúng túng và chưa đổi mới.
Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội với những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề xuất rất nhiều giải pháp, kiến nghị để đạt được kết quả cao hơn. Đó là cần làm tốt công tác quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng và liên kết vùng. Phải ban hành, sửa đổi kịp thời các văn bản, cơ chế chính sách, trước hết là xây dựng bộ tiêu chí cho phù hợp, có tiêu chí của quốc gia thống nhất trong cả nước, có tiêu chí giao cho địa phương xây dựng để phù hợp với tình hình thực tế, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của địa phương.
Có ý kiến đề nghị phải điều chỉnh mục tiêu và nội dung xây dựng nông thôn mới. Phải bố trí nguồn lực; Có chính sách thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp. Thực hiện tốt chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, song việc huy động sức dân phải đảm bảo hợp lý để tạo ra sức mạnh về tài chính cho đầu tư vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp. Trong đầu tư phải công khai, minh bạch, tích cực phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Cần tích cực tuyên truyền ý nghĩa của chương trình qua các kênh báo chí và truyền thông đến người dân, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.
Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan