Ngày 11/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về các dự án, dự thảo: Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 14 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sóc Trăng, Quảng Bình và Điện Biên. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 14 chủ trì phiên thảo luận.
Cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), nhiều đại biểu nhất trí cần phải sửa đổi Luật để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ. Góp ý kiến cụ thể về các điều của Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị Dự thảo cần bổ sung khái niệm "công nghệ cao" trong phần giải thích từ ngữ, đồng thời tại khoản 8, điều 16 nên quy định rõ khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng bằng tiếng Việt…
Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Ninh Bình và các tỉnh cũng tập trung phân tích kỹ các quy định về: chính sách hỗ trợ khuyến khích đổi mới công nghệ; về Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia; về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư; về tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ…
Thảo luận về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), đa số ĐBQH đều thống nhất cho rằng việc sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần đầu tư kỹ càng hơn, tránh những sai sót về kỹ thuật câu từ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến: hiện Dự thảo vẫn còn một số điều trùng lắp, ví dụ như: điều 10, điều 53 có khoản trùng nhau; tại điều 64: khoản 2 và khoản 3 trùng nhau. Đánh giá phương thức vận tải đường sắt có nhiều ưu việt so với các phương thức vận tải khác, đại biểu Đinh Tiến Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng cần đổi mới phương thức đầu tư theo tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ hiệu quả hơn. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội; tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh đường sắt; khuyến khích đầu tư, tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh đường sắt.
Còn theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH Ninh Bình) thì đường sắt cao tốc không có gì là đặc thù riêng nên không nên tách ra thành một chương riêng. Đại biểu cũng đề nghị Dự thảo nên sắp xếp lại một số điều về các chương cho phù hợp và thống nhất, ví dụ: điều 88 chuyển về điều 5; điều 90 chuyển về 1 điều chương 2; điều 91 chuyển về 1 điều chương 6; điều 92 chuyển về thành 1 điều thuộc chương 5. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị Dự thảo cần thống nhất khái niệm "đường sắt cao tốc" và "đường sắt tốc độ cao" là một.
Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đã có 12 đại biểu phát biểu, tập trung vào những nội dung: Sự cần thiết sửa đổi Luật; quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật; đối tượng được bồi thường; phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường; thời hiệu yêu cầu bồi thường; các hành vi bị nghiêm cấm; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại và của người thi hành công vụ gây thiệt hại; mô hình cơ quan giải quyết bồi thường; các thiệt hại được bồi thường và không được bồi thường; Trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường; thành phần tham gia thương lượng việc bồi thường; kinh phí bồi thường; dự toán, tạm ứng kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả kinh phí; khôi phục chức vụ cho người bị thiệt hại; phục hồi danh dự và trình tự xin lỗi; trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Cũng trong ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 1, Điều 2 và toàn văn Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; đồng thời biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Mai Lan