Vào đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020). Sau đó, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu thông qua Nghị quyết. Kết quả, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020).
Sau phiên làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và dự án luật Quy hoạch.Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 14 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sóc Trăng, Điện Biên, Quảng Bình.
Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng gồm 6 chương với 45 điều, quy định cụ thể về: Các nội dung hỗ trợ cơ bản doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình hỗ trợ trọng tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của cơ quan, tổ chức, cá nhân; ngân sách, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Phát biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng dự án luật này để ban hành một cách cụ thể hơn, đồng thời dự án luật phải có quy định chặt chẽ về cơ chế quản lý, đảm bảo luật khi được ban hành sẽ có tính khả thi cao trong thực tiễn. Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, việc quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cần thiết. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn về tính khả thi của luật khi mà nhiều điều trong dự thảo còn viết dưới dạng chủ trương, mang tính chất định tính.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như cách thức, đối tượng hỗ trợ. Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng: tiêu chí xác định nhỏ và vừa như trong dự thảo luật là chưa được thuyết phục. Cần có tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ rõ ràng, dễ tính toán, dễ xác định để cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ. Với điều kiện thực tế ở nước ta, việc sử dụng tiêu chí doanh thu làm tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khả thi hơn so với tiêu chí tổng nguồn vốn.
Cũng trong phiên thảo luận ở tổ buổi sáng, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về Dự án Luật Quy hoạch. Dự án Luật quy hoạch gồm 8 chương với 69 điều quy định về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; kinh phí cho hoạt động quy hoạch; chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch; quản lý Nhà nước về quy hoạch; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch;
Buổi chiều, Quốc hội Nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật cảnh vệ; Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Mai Lan