Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 14 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sóc Trăng, Điện Biên, Quảng Bình. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Tổ trưởng tổ đại biểu số 14 chủ trì phiên thảo luận.
Dự án Luật Quản lý ngoại thương được xây dựng gồm 8 chương với 114 điều, quy định về: Các biện pháp hành chính; các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp phòng vệ thương mại; kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về ngoại thương…
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý ngoại thương, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Luật cần tiếp tục rà soát sự phù hợp của dự án Luật với Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Phát biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật trợ giúp pháp lý, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm đảm bảo khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL); bảo đảm triển khai thực hiện Hiến Pháp năm 2013 và đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đóng góp ý kiến về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý được quy định tại khoản 4, điều 3 của dự thảo: "Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan", đại biểu đề nghị cần xác định rõ căn cứ để xác định nguyên tắc độc lập theo như quy định của dự thảo. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị cần phải mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó có các đối tượng là hộ cận nghèo, trẻ em, nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình...
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đại biểu Đinh Tiến Dũng (Đoàn Ninh Bình) nêu ý kiến, việc quy định Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp là không hợp lý và không nên quy định bộ máy của Trung tâm như điều 11 của dự thảo. Vì như vậy sẽ dẫn đến bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình với quan điểm cần tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật.
Cách làm này, một mặt vừa tận dụng được trí tuệ, trình độ và nguồn lực trong xã hội, mặt khác góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước về tổ chức, biên chế, ngân sách đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa cán bộ và chi phí hành chính; đồng thời việc xã hội hóa cũng giúp người dân ở vùng sâu, vùng sa được tiếp cận hoạt động TGPL thuận lợi hơn.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Ninh Bình) nêu đề xuất, hiện dự thảo chưa có quy định về cơ chế khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo cần xây dựng tiêu chí cụ thể nhằm khuyến khích hoạt động TGPL. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cũng đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn của tợ giúp viên pháp lý (điều 18).
Theo đại biểu, quy định về tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý tương đương với tiêu chuẩn của luật sư như dự thảo là ở mức cao. Thực tế cho thấy, trợ giúp viên khi tham gia tố tụng, khả năng và kỹ năng còn rất hạn chế (trừ những người đã từng có thời gian công tác tại các cơ quan tiến hành tố tụng, hoặc đã từng là người tiến hành tố tụng).
Do vậy, để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị Dự thảo cần quy định về các loại vụ việc nào sẽ do trợ giúp viên pháp lý đảm nhận và những vụ việc nào do luật sư đảm nhận.
Cũng trong phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội các tỉnh tập trung góp ý về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) với các nội dung lớn liên quan đến phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; mô hình cơ quan giải quyết bồi thường; cơ quan ra quyết định giải quyết bồi thường...
Mai Lan