Các đại biểu đã thảo luận về
dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp;
kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đa số các đại biểu cho rằng đây là việc làm cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nên giải quyết như quy định của Bộ Luật hình sự năm 1999, đồng thời không nên mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của độ tuổi này thêm 3 tội danh (cố ý gây thương tích; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản) như dự thảo Bộ luật năm 2015. Đại biểu cũng cho rằng không nên quy định việc giám định hàm lượng ma túy vào trong luật vì việc xử lý hình sự đối với hành vi này là đánh vào ý thức chủ quan của người phạm tội.
Đại biểu đề nghị không nên quy định cụ thể hoặc liệt kê danh mục các chất ma túy vào Dự thảo luật. Điều này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong các quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, đồng chí Mai Khanh cũng đề nghị, dự thảo Luật không nên bỏ điều 292 (tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông)...
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100 ngay tại kỳ họp thứ 2 này. Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu quan điểm: Bộ luật Hình sự là bộ luật rất quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; đối tượng rộng, do đó cần thận trọng trong nghiên cứu để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật sau khi được Quốc hội thông qua.
Thảo luận tại tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng Chính phủ cần bổ sung thêm nhiều số liệu dẫn chứng chứng minh những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015 cũng như có thêm đánh giá và sâu sắc về những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Tán thành với việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, một số đại biểu đề xuất Chính phủ cần xây dựng các chỉ tiêu kinh tế sát thực tế hơn nữa.
Phát biểu thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Đoàn Ninh Bình) cho biết: Trong 9 tháng năm 2016, đã có 11/13 chỉ tiêu đạt nhưng 2 chỉ tiêu vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách thì lại chưa đạt, đó là tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu. Hai yếu tố này ảnh hưởng thu lớn nhất, tác động quyết định đến thu ngân sách nhà nước. Bộ Trưởng cho rằng, hoạt động thu - chi ngân sách phản ánh thực trạng nền kinh tế nên cần phải có các giải pháp đan xen.
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 5,9%, riêng quý 3, tốc độ tăng trưởng đã cao hơn quý 1 và 2 với khoảng cách gia tăng cao (khoảng 6,4%). Tuy nhiên khi đạt mốc tăng trưởng này rồi, nhiệm vụ của quý 4 vẫn còn rất khó khăn nếu không có giải pháp đột phá, cụ thể sâu sắc và quyết liệt... Đồng chí Bộ Trưởng Bộ Tài chính cũng đóng góp ý kiến về kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, trong đó nhấn mạnh tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm phải gắn với phương án vay và trả nợ công...
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020...
Mai Lan