Theo chương trình, các phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày (từ 15 đến 17/11/2006) và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, cách thức tiến hành chất vấn lần này được kế thừa và đổi mới theo hướng lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý, điều hành của "ai thì người đó sẽ trực tiếp trả lời".
Việc chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tăng cường đối thoại, tranh luận, bám sát và đi đến cùng nhằm giải quyết vấn đề bức xúc trong đời sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của cử tri, nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, không bình luận và giải thích nhiều trong câu hỏi. Trường hợp còn có vấn đề cần phải tranh luận hoặc là không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng thì đại biểu có thể giơ biển tranh luận.
Đề nghị các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ trả lời ngắn, gọn, đi vào đúng trọng tâm vấn đề mà đại biểu đặt ra câu hỏi. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao năng lực điều hành, thi hành Nghị quyết của Quốc hội và có cơ sở để các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ.
Trong phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề: trách nhiệm và giải pháp của Bộ về thực trạng một số doanh nghiệp, cá nhân nhập lậu nông sản giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; về phát triển hệ thống bán lẻ; chống buôn lậu và gian lận thương mại; Giải pháp xuất khẩu nông sản chủ lực; chính sách phát triển công nghiệp ô tô trước thách thức hội nhập; Phát triển công nghiệp phụ trợ; Phát triển ngành cơ khí chế tạo; nguyên nhân, giải pháp vận hành xả lũ thủy điện để bảo đảm an toàn cho hạ du.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Ninh Bình) đã chất vấn Bộ Trưởng Bộ Công thương về vấn đề sắp xếp lại bộ máy quản lý phân bón.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đặt vấn đề: Nhà máy Đạm Ninh Bình đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa quyết toán được vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, đây là có lỗi chủ quan của chủ đầu tư. Hiện nay có hơn 700 công nhân của Nhà máy Đạm Ninh Bình không có việc làm và hiện tại nhà máy đã dừng hoạt động.
Trên cơ sở của vấn đề nêu, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Bộ Trưởng Bộ Công thương cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản của dự án này, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng xử lý cụ thể đối với các công nhân của nhà máy, cũng như các giải pháp khắc phục hạn chế của dự án nhà máy Đạm Ninh Bình.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Đạm Ninh Bình là dự án sử dụng công nghệ chế biến đạm từ than, Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư từ thời điểm mà giá khí và giá dầu mỏ còn ở mức rất cao.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, sau khi giá dầu giảm xuống mức rất thấp từ 40-50 USD/thùng thì dự án này không còn có khả năng cạnh tranh với các dự án chế biến đạm từ khí mà trong đó chúng ta đang có các nhà máy đạm Cà Mau, Phú Mỹ cũng đang chế biến đạm từ khí; đồng thời cũng không có đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập của các nước lân cận như Trung Quốc, Indonexia đều sử dụng công nghệ chế biến đạm từ khí và nhập khẩu vào Việt Nam với giá rất cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, Bộ đang tiến hành thanh tra và sắp có báo cáo kết luận, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm cụ thể.
Tuy nhiên giải pháp như thế nào để khắc phục hậu quả và những hạn chế của dự án này rất cần có nghiên cứu thấu đáo và xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, cụ thể về tính chất khả thi, hiệu quả trong các phương án để xử lý.
Đối với 700 người lao động của nhà máy đạm Ninh Bình, Bộ Trưởng Bộ Công thương khẳng định: chúng ta phải xem xét cho phù hợp với khuôn khổ giải pháp tổng thể của dự án và những quy định của luật pháp.
Tuy nhiên, dù cách nào thì dự án này phải được xem xét theo những nguyên tắc chung mà Chính phủ đang chỉ đạo, đảm bảo bảo toàn và bảo vệ được tài sản của Nhà nước ở mức cao nhất; đồng thời có giải pháp triệt để để xử lý cả về khía cạnh công nghệ, cả về khía cạnh kinh tế và thương mại của dự án; xem xét làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để có hướng khắc phục lâu dài. Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng và sớm làm rõ việc này để báo cáo Thủ tướng và Quốc hội.
Trong phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư.
Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản..
Mai Lan