Mở đầu phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn từ chiều 15/11 như: Vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực môi trường; về xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; về nâng cao chất lượng đánh giá báo cáo tác động môi trường.
Bộ trưởng cũng đưa ra những giải pháp về xử lý ô nhiễm các lưu vực sông; khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, và xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời cho biết về cơ bản môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn, đảm bảo cho các hoạt động du lịch, thể thao, nuôi trồng thủy sản; quản lý đất nông lâm trường; cấp sổ đỏ...
Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đã có 48 đại biểu chất vấn Bộ trưởng về các nhóm vấn đề: Tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục cơ bản, toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.
Về các giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ; đào tạo sau đại học; phát triển đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; giải pháp phân luồng học sinh, khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"; đổi mới kỳ thi quốc gia; vấn đề dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường; giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; thực hiện đề án mô hình trường học mới VNEN...
Với tinh thần thẳng thắn, nhận trách nhiệm, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Mục tiêu đã nêu trong đề án đào tạo ngoại ngữ 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được.
Hiện Bộ đang rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại các mục tiêu đề ra; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; thiết kế lại các chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy, học ngoại ngữ...
Về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường (theo thống kê có khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp; đối tượng chưa tìm được việc làm chủ yếu ở các trường tốp dưới); điều chỉnh lại mạng lưới các trường đại học; siết chặt chất lượng đào tạo cả đầu vào và đầu ra...
Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng khẳng định, về cơ bản chất lượng đào tạo đã được cải thiện, tuy nhiên thực tế vẫn còn những tồn tại, thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đào tạo; tăng cường công tác giám sát đào tạo, có lộ trình thắt chặt chất lượng...
Đối với phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, giải pháp chính là tiếp tục hoàn thiện hệ thống các trường nội trú, nâng cao chất lượng hoạt động cử tuyển, đào tạo theo nhu cầu thực tiễn địa phương...
Về vấn đề chống hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan, "biến tướng", Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp tăng cường kiểm tra của địa phương; rà soát lại chương trình dạy học,...
Về giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, Bộ trưởng nêu những nguyên nhân (gia đình, nhà trường, xã hội), đồng thời nhấn mạnh giải pháp về đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục về đạo đức, pháp luật cho học sinh.
Trong phiên chất vấn Bộ Trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, 19 đại biểu Quốc hội cũng đã tranh luận với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu nhân lực của thị trường; về chương trình, nội dung sách giáo khoa tiểu học; đào tạo giáo viên; giải pháp chống dạy thêm, học thêm tràn lan, biến tướng; tổ chức kỳ thi quốc gia; phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông...
Kết thúc phần chất vấn của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã giải trình làm rõ vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phiên chất vấn buổi chiều, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đăng đàn trả lời về vấn của các đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề: tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...
Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã chất vấn Bộ Trưởng Bộ Nội vụ về trách nhiệm của Bộ trong việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp sở quá số lượng quy định.
Đại biểu Bùi Văn Phương cũng cho biết: Hiện nay chức danh "hàm" không có quy định trong văn bản pháp luật nhưng vẫn tồn tại chức danh "hàm vụ trưởng", "hàm phó vụ trưởng". Vậy đề nghị Bộ Trưởng cho biết, quy định chức danh "hàm" có nên đưa vào quy định của văn bản pháp quy để thống nhất thực hiện? và nếu trung ương thực hiện được thì ở địa phương có thực hiện được hay không?
Do thời gian của phiên chất vấn Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong buổi chiều đã hết nên câu hỏi chất vấn của đại biểu Bùi Văn Phương và một số đại biểu khác sẽ được Bộ Trưởng trả lời vào đầu phiên họp sáng ngày 17/11.
Mai Lan