Các đại biểu nhất trí cao với nội dung Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 của UBND tỉnh; báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh.
Các đại biểu nhất trí cao với nội dung Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 của UBND tỉnh; báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, các báo cáo đã đánh giá đúng, đầy đủ và toàn diện thực trạng tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu KT-XH 6 tháng đầu năm, nổi bật là chỉ tiêu về thu ngân sách đạt cao.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo, đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021… Đồng thời các đại biểu ghi nhận công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh với nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến để bổ sung, làm rõ hơn các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Trong đó đại biểu đề nghị tăng cường công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác thu ngân sách, chú ý tới nguồn thu từ sản xuất kinh doanh, đấu giá quyền sử dụng đất và thu thuế tài nguyên môi trường; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để có nguồn thu ngân sách mang tính bền vững; Quan tâm thu hút đầu tư, nhất là những dự án có vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng các làng nghề phát triển du lịch, dịch vụ du lịch; có thêm chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh rà soát các công trình dự án phải thu hồi đất trong năm 2016, có giải pháp xử lý kịp thời để xử lý nghiêm các dự án kém hiệu quả hoặc chậm triển khai. Tỉnh cần có cơ chế đặc thù đối với các xã miền núi để thúc đẩy xây dựng NTM vì mức đầu tư xây dựng cơ bản ở những vùng này khá lớn.
Đồng thời, quan tâm điều hành ngân sách đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng; quan tâm hơn nữa tới việc phân cấp trong giải quyết những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.
Đối với các đề án, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu thống nhất đây là những vấn đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Về dự thảo nghị quyết quy định mức học phí, học phí học các môn tự chọn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020-2021 của tỉnh Ninh Bình, các đại biểu cho rằng việc tăng mức học phí là đúng nhưng cần xem xét mức tăng phù hợp với nguyện vọng và điều kiện của đại đa số người dân, cần nêu ra những số liệu so sánh mức học phí giữa các cấp học qua từng năm, đồng thời nên có điều tra xã hội học trước khi ban hành Nghị quyết để đảm bảo tính khả thi.
Đối với dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Bình 5 năm 2016 - 2020, một số đại biểu đề xuất cần tính toán quy hoạch về phát triển kinh tế biển Kim Sơn; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút các dự án; đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững.
Đối với sản xuất nông nghiệp, các đại biểu đề xuất cần quan tâm tới vấn đề quy hoạch đất đai, khoanh vùng, cắm mốc đối với diện tích đất lúa, diện tích còn lại sẽ chuyển đổi để phát triển các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân, có như thế mới đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra trong giai đoạn tới.
Ngoài ra các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề khác như: về việc quy hoạch phân bổ nguồn nước dưới đất và phòng chống, khắc phục tác hại, hậu quả do nước gây ra; về việc quy định mức thu học phí đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học, cao đẳng…
Mai Lan-Đào Duy