Trong phiên thảo luận buổi sáng, nhiều đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016.
Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, trong đó thành tựu nổi bật là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Về chất lượng đại biểu Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà nước và nhân dân đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu hoạt động.
Tuy nhiên, vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt những điều mà cử tri mong đợi, kỹ năng hoạt động còn hạn chế, chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội, chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp, có phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, có đại biểu vi phạm pháp luật, gây mất niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri…
Có đại biểu đưa ra kiến nghị: Quốc hội khóa mới cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng tỷ lệ đại biểu quốc hội có năng lực, trình độ góp phần bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Về công tác lập hiến, lập pháp, nhiều đại biểu băn khoăn về việc Quốc hội thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, chậm ban hành các văn bản dưới luật, các yêu cầu của cuộc sống chưa phản ánh trong các văn bản quy phạm pháp luật, có điều luật chưa có hiệu lực đã phải đưa ra xem xét lại.
Để khắc phục những hạn chế trên, một số đại biểu đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội có biện pháp xử lý các trường hợp không đảm bảo chất lượng, tiến độ trình và thông qua dự án luật, thực hiện nghiêm quy trình xây dựng ban hành luật, pháp lệnh theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo; Quốc hội cần dứt khoát nói không với những đạo luật chưa đảm bảo chất lượng và có chế tài xử lý thật nghiêm túc.
Thẳng thắn nhìn nhận những điều còn tồn tại trong hoạt động của Quốc hội, ĐBQH, một số đại biểu cũng cho rằng "Quốc hội còn nặng nợ với cử tri", "Quốc hội phải trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo thường trực và mong ước chính đáng của nhân dân"...
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã phát biểu đề xuất giải pháp thiết thực về đổi mới quy trình để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; cải cách hệ thống chính trị, cải cách bộ máy nhà nước; đổi mới phương thức làm việc để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH, nhất là trong hoạt động giám sát tối cao, hoạt động chất vấn, ra quyết sách về các vấn đề quốc kế dân sinh, giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, chuẩn hóa hoạt động đối ngoại của Quốc hội...
Trong ngày, các đại biểu cũng giành nhiều thời gian thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước, qua đó khẳng định mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả và thành tựu Kiểm toán nhà nước đã đạt được là toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tham gia vào quá trình xem xét, thẩm tra về dự toán Ngân sách nhà nước, phân bổ Ngân sách Trung ương chất lượng chưa cao; công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin và thực hiện các quy chế phối hợp với các bộ ngành Trung ương, địa phương chưa thường xuyên, kịp thời; Bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện...
Mai Lan