Thảo luận về Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao việc dự thảo Luật lần này đã quy định khá rõ ràng về các biện pháp quản lý giá thuốc cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc phối hợp quản lý giá thuốc.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, để việc quản lý giá thuốc có hiệu quả thật sự trên thực tế thì dự thảo Luật dược cần bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá vẫn còn cao trên thị trường.
Có đại biểu cho rằng, từ khi triển khai Luật dược 2005 và các văn bản dưới luật đã giúp kiểm soát giá thuốc khá hiệu quả, trong đó việc kê khai giá có vai trò rất lớn. Tuy nhiên, trên bình diện chung vẫn chưa quản lý hết được giá thuốc nhất là đối với thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược phân phối độc quyền.
Mặc dù đã có quy định không cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài phân phối thuốc tại Việt Nam nhưng thực tế khi thuốc nhập vào nước ta đã có hiện tượng lưu thông "lòng vòng", "thổi" giá lên, nhất là đối với thuốc quý hiếm, thuốc đặc trị. Vì vậy, các đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần đưa những quy định cụ thể, chi tiết và toàn diện, khắc phục tình trạng này để bảo đảm thuốc tốt, an toàn và giá cả phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể chất của toàn dân.
Quan tâm đến vấn đề "Quản lý nhà nước về giá thuốc; thuốc giả, thuốc sử dụng sai mục đích và tăng cường quản lý thực phẩm chức năng, mỹ phẩm", đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, hiện nay những vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra phổ biến, phần lớn thời lượng các trang quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng là quảng cáo thực phẩm chức năng.
Cách thức quảng cáo rất tinh vi, thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược. Đặc biệt, lại được sự hỗ trợ rất tích cực của các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ trong ngành y tế. Do vậy, nhiều người nhầm tưởng thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng cho rằng sản phẩm đắt tiền mới là tốt. Lợi dụng tâm lý này, rất nhiều hãng thực phẩm chức năng và các nhà kinh doanh đã bán với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của sản phẩm.
Sự nhầm lẫn thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh, cùng với tâm lý thích dùng đồ đắt tiền đã khiến nhiều người "tiền mất tật mang", bệnh trầm trọng thêm, thậm chí có thể mất mạng. Do đó, đại biểu đề nghị phải đưa việc quản lý thực phẩm chức năng vào phạm vi điều chỉnh của luật Dược (sửa đổi) và phải có chương riêng với những quy định chặt chẽ, cụ thể về những điều cấm để giúp cho việc quản lý thực phẩm chức năng của các cơ quan Nhà nước được tốt hơn, bảo vệ người tiêu dùng.
Cũng trong phiên thảo luận buổi sáng, nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến nhằm làm rõ hơn các vấn đề nêu trong Dự thảo luật Dược (sửa đổi) như: Chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; Quản lý chứng chỉ hành nghề dược; Những hành vi bị nghiêm cấm; Về chất lượng dược liệu và thuốc cổ truyền; Hình thức thu hồi, mức độ vi phạm, phạm vi và thời gian thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi; Về thông tin, quảng cáo và khuyến mại thuốc; Chính sách của nhà nước đối với hoạt động dược lâm sàng và triển khai hoạt động dược lâm sàng; Cung ứng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyền và trách nhiệm của cơ sở bán lẻ là nhà thuốc; Cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh dược…
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Đã có 6 đại biểu Quốc hội phát biểu, tập trung vào những nội dung: Đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm; Trị giá tính thuế, thời điểm tính thuế; Thời hạn nộp thuế; Về áp dụng thuế phòng vệ thương mại; Về miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; Về hoàn thuế và điều kiện hoàn thuế…
Mai Lan