Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Hùynh Thành Đạt giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, ông Nguyễn Thanh Long giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự được biểu quyết thông qua ngay sau đó.
Ông Hùynh Thành Đạt (58 tuổi, quê Bến Tre) hiện là giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ông Đạt được đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm thay ông Chu Ngọc Anh trước đó đã được bầu làm Phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Long (54 tuổi, quê Nam Định), hiện là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông Long có quá trình công tác lâu dài tại Bộ Y tế, trước khi được phân công làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 2018) và trở lại giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế và quyền Bộ trưởng năm 2019.
Bà Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi, quê Hà Nội), từ năm 2014 đến nay là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Người tiền nhiệm của bà Hồng là ông Lê Minh Hưng đã nhận quyết định của Bộ Chính trị phân công, điều động làm chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Trong ngày, Quốc hội giành nhiều thời gian thảo luận ở hội trường về: dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Cũng trong ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc ban hành luật này mục đích là để sát nhập 3 lực lượng: dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo giải trình rõ, phải dựa trên tình hình thực tiễn, trật tự trị an ở cơ sở.
Nếu luật ban hành chỉ giải quyết việc làm 126 nghìn công an xã khi Pháp lệnh Công an xã hết hiệu lực thì không thuyết phục. Hơn nữa, tại điều 3 dự thảo có nêu: Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, tức là không có chức năng chính danh mà chỉ có chức năng tham gia phối hợp. Đại biểu cho rằng không cần thiết ban hành luật này, nếu ban hành sẽ chồng chéo với chức năng của Luật Dân quân tự vệ.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) bày tỏ những băn khoăn về những quy định trong Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa thực sự thống nhất.
Đại biểu cho rằng, dự thảo quy định "Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng tự nguyện tham gia". Nhưng các quy định của dự thảo luật về yêu cầu đối với lực lượng này lại là lực lượng chính quy với mức độ chuyên môn cao. Do vậy nếu áp dụng tiêu chuẩn này vào thực tiễn thì sẽ khó khả thi vì thực tế lực lượng bảo vệ dân phố chủ yếu là người đã về hưu.
Theo dự thảo, lực lượng này có nhiều thẩm quyền như là lực lượng chính quy; có nhiều quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại không đề cập trách nhiệm, nghĩa vụ khi thực hiện các quyền của lực lượng này. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, rà soát để có những quy định chặt chẽ hơn...
Mai Lan