Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Giải pháp đưa nền kinh tế phát triển bền vững; giải ngân vốn đầu tư công tránh dàn trải, lãng phí; giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; về tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai...
Qua thảo luận, các đại biểu tiếp tục khẳng định: với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã đạt được thành tích kép. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức kịp thời trước các tình thế cấp bách như COVID-19, lũ lụt, thiên tai...
Tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, giai đoạn 2021-2025, một số đại biểu cũng đề xuất thêm các giải pháp như: Đề nghị Chính phủ tiếp tục phải đổi mới phương thức tổ chức hoạt động phù hợp với diễn biến tình hình hiện nay, đặt trọng tâm vào công tác ban hành, kiểm soát thể chế phân bổ hợp lý hài hòa các nguồn lực xã hội; phân biện rõ trách nhiệm các cấp trong thực hiện đầu tư công; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong quản lý. Tập trung ưu tiên nhân tài lãnh đạo quản lý quốc gia, làm giàu, khoa học công nghệ, quản trị giáo dục, văn hóa nghệ thuật. Khẩn trương ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu về khả năng khởi xướng chính sách, đề ra chủ trương, trọng dụng nhân tài, lôi cuốn bộ máy…
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu ban hành loạt chính sách mở đường cho một số doanh nghiệp đầu đàn áp dụng công nghệ cao, có các sản phẩm khoa học công nghệ có thể tạo đột phá, thúc đẩy toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh.
Trước những thiệt hại nghiêm trọng do các vụ sạt lở đất gây ra tại miền Trung, nhiều đại biểu đề nghị tăng cường trang bị các thiết bị quan trắc hiện đại, cảnh báo sớm; quy hoạch lại các khu dân cư. Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế, ưu tiên dự án thủy lợi; đánh giá tác động trồng rừng thay thế; giải quyết tình trạng di cư tự phát, đẩy nhanh giao đất gắn với giao rừng; đầu tư ngân sách để cảnh báo thiên tai, phát triển rừng, bảo tồn sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng.
Đề nghị nâng cấp các quy chuẩn kỹ thuật, văn bản pháp luật, quy hoạch phù hợp liên quan đến phòng chống thiên tai; hỗ trợ cải tạo nhà ở của người dân vùng thoát lũ, xả lũ; sắp xếp bố trí dân cư các điểm có nguy cơ cao, bổ sung nguồn lực trồng rừng và bảo vệ rừng. Đối với các dự án thủy điện cần có tầm nhìn sau 30-40 năm để có chế tài buộc doanh nghiệp tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, nhất là liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo không bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính từng tỉnh, hình thành không gian kinh tế vùng...
Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ như: Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường... đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Mai Lan