Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc (từ ngày 6/11 đến hết sáng ngày 10/11) để tiến hành xem xét, chất vấn việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội giám sát chuyên đề về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quy trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trước đó, lần đầu tiên tiến hành là tại Kỳ họp thứ 6 - kỳ họp giữa nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: phiên chất vấn này là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIV. Mục đích chính là đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề còn tồn tại, những nhiệm vụ chưa hoàn thành cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề ra các yêu cầu, giải pháp cần tiếp tục thực hiện để xây dựng Nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, theo dõi.
Trong phiên chất vấn, cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không theo nhóm chuyên đề mà đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn tất cả các vấn đề, lĩnh vực nào thì người đứng đầu các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa kỳ họp.
Riêng đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, do đã đảm nhiệm nhiệm vụ mới và đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nên chất vấn của các đại biểu Quốc hội sẽ được trả lời bằng văn bản. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thì Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời, làm rõ thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nghe các Báo cáo: Báo cáo tóm tắt việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng đã trả lời các nội dung chất vấn mà các đại biểu nêu.
Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về khả năng hoàn thành mục tiêu tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 30% vào năm 2020; sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số; giải pháp, cách làm mới, cũng như sự chuẩn bị nguồn nhân lực để triển khai Chính phủ điện tử?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để đạt mục tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai giải pháp đột phá, đó là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử. Dịch vụ công trực tuyến dựa trên nền tảng cơ bản đưa tất cả các dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 lên cùng lúc. Với cách làm này đã có 2 Bộ đạt 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thí điểm tại tỉnh Bến Tre, sau 3 tháng thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp 4 từ 60% đã đạt 100%. Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai trên diện rộng.
Cũng theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, khó nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến là kết nối, Bộ đã xây dựng trục kết nối chung, hỗ trợ kết nối thanh toán dịch vụ công trực tuyến với các ngân hàng cho các địa phương. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã vào cuộc rất tích cực. "Vì vậy chúng tôi hoàn toàn tin rằng đến hết năm 2020 tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt hơn 30% và đến năm 2021 chúng ta có thể cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Tuấn về sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Chính phủ điện tử là tin học hóa quy trình, cung cấp dịch vụ trực tuyến, còn Chính phủ số hoạt động trên môi trường số, sử dụng dữ liệu ra quyết định, cung cấp thêm dịch vụ mới theo nhu cầu người dân.
Trong năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ký chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số. Về nhân lực cho Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng phải có sự thay đổi đối với nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin từ làm trực tiếp sang đặt hàng và giám sát doanh nghiệp thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang triển khai chương trình 100 chuyên gia Chính phủ điện tử, hình thành mạng lưới chuyên gia, diễn đàn về chính phủ điện tử. Đối với người dùng thì xây dựng công cụ phần mềm, công khai, dễ dùng như mạng xã hội để không phải đào tạo lại...
Mai Lan