Trong ngày, Quốc hội giành nhiều thời gian thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.
Dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2016 gồm 4 phần: Phần thứ nhất là về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; Phần thứ hai là mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016; Phần thứ ba là nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Phần thứ tư là tổ chức thực hiện.
Đã có 447 đại biểu tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, bằng 90,49% tổng số đại biểu Quốc hội, số đại biểu không tán thành và số đại biểu không biểu quyết là 0%.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.
Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trong ngày, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về những kết quả, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý sử dụng đất đai tại các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác có nguồn gốc đất đai từ các nông trường, lâm trường.
Để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả tại các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác có nguồn gốc đất đai từ các nông trường, lâm trường, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị việc sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường phải được đổi mới về tư duy, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý đất đai như hiện nay.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng nhu cầu sử dụng đất, quản lý rừng, hoàn thành dứt điểm việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đo đạc, cắm mốc giới, thực địa, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, thuê đất.
Tiến hành giải thể, cho phá sản đối với các công ty, nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không quản lý được đất đai giao khoán, đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, không thực hiện được nghĩa vụ về tài chính doanh nghiệp, kiên quyết thu hồi đất chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích để giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.
Cần đặc biệt ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất ở các khu vực tái định cư do các công trình thủy điện. Đồng thời đẩy nhanh công tác rà soát xác định diện tích 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với một phần diện tích rừng phòng hộ xung yếu, rừng nghèo kiệt chuyển sang phát triển rừng sản xuất, giao đất cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.
Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị: Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đặc thù để bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững. Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng, có thu nhập thấp từ rừng, nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài.
Đồng thời cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp về đầu tư thu mua, chế biến tại các địa phương có rừng, nhằm nâng cao giá trị rừng sản xuất. Vì thực tế hiện nay rừng sản xuất ở vùng đặc biệt khó khăn do phải gánh chịu chi phí vận chuyển quá lớn nên dẫn đến tình trạng người dân có nhiều rừng nhưng thu nhập rất thấp.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân để giúp cho người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật đất đai đồng thời xử lý nghiêm khắc những cá nhân, công ty, địa phương nào sử dụng đất đai lãng phí, thất thoát, sai mục đích và không giao đất cho dân theo đúng pháp luật...
Mai Lan