Trong ngày, đã có 40 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận. Các ý kiến trung vào những nội dung như: Về phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân; điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; Thời hạn tối thiểu của hình phạt tù; khung hình phạt, mức xử phạt của các tội danh trong Bộ luật hình sự; Việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án; Về bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; việc không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên; không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; Về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện; Bổ sung một số tội mới như tội khiêu dâm người dưới 16 tuổi, tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân; Về một số loại tội phạm cụ thể như tội nhận hối lộ, tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về ma túy; tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ; tội phạm về môi trường; Về quy định cụ thể các tình tiết định tính, định lượng trong điều luật…
Phát biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhânlà một vấn đề mới, liên quan đến nhiều vấn đề khác như: cơ sở của việc quy định trách nhiệm hình sự, xác định lại khái niệm về tội phạm và hình phạt, chứng minh hậu quả của hành vi phạm tội, phân định loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, phân định trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân trong việc thực hiện hành vi phạm tội, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân, trình tự, thủ tục, tố tụng đối với pháp nhân.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần thận trọng và chưa nên bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này. Dẫn chứng cho ý kiến của mình, đại biểu Lưu Thị Huyền đưa ra các lý do: Thứ nhất, theo pháp luật của Nhà nước ta từ trước đến nay trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với các cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với chế tài cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường thiệt hại gây ra.
Các biện pháp xử lý hành chính dân sự này cơ bản đã bảo đảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân như tước giấy phép vĩnh viễn buộc pháp nhân phải giải thể sẽ ảnh hưởng đến người không liên quan đến việc thực hiện tội phạm, nhiều người lao động sẽ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, trật tự xã hội, sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai, theo dự thảo của Bộ luật thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân, có nghĩa là cả cá nhân và pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng một tội phạm trong cùng một vụ án, như thế rất khó xác định phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm của từng chủ thể cũng như khó áp dụng mức hình phạt. Vấn đề này cũng chưa được quy định trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Mặt khác, không bổ sung quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân vì vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân theo phương án của dự thảo luật như tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh cũng đã áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính, việc bổ sung thêm quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân với chế tài tương tự có thể gây ảnh hưởng bất lợi trong việc thực hiện chủ trương thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển.
Thứ ba, về tố tụng hình sự, khi cả pháp nhân và cá nhân cùng phải chịu trách nhiệm hình sự thì ai là chủ thể tham gia tố tụng của pháp nhân, thủ tục tố tụng ra sao, áp dụng các biện pháp ngăn chặn như thế nào, những vấn đề này chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn và cũng chưa quy định trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), rất khó áp dụng trong thực tiễn.
Thứ tư, về phương diện lý luận việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật hình sự (sửa đổi) làm thay đổi cơ bản hệ thống lý luận về trách nhiệm hình sự cũng như thay đổi chính sách hình sự của nhà nước. Vì vậy, chưa nên bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi).
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung các quy định để trong quá trình xét xử các vụ án hình sự nếu phát hiện pháp nhân có hành vi, vi phạm pháp luật và hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và vẫn còn hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì Tòa án có thể xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với pháp nhân, Tòa án có thể tịch thu phương tiện vi phạm pháp nhân áp dụng các biện pháp tư pháp khác về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Tham gia đóng góp ý kiến về tội xâm phạm quyền bình đẳng giới của phụ nữ tại Điều 165 Bộ luật hình sự (sửa đổi), đại biểu Lưu Thị Huyền đề nghị sửa tên Điều 165 là "Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới", đồng thời đề nghị nghiên cứu để làm rõ hơn các dấu hiệu phạm tội như liệt kê các hành vi mang tính đặc trưng nhất của vi phạm bình đẳng giới, dùng vũ lực có thể không phải là hành vi mang tính đặc trưng của vi phạm bình đẳng giới.
Hậu quả của hành vi, mối quan hệ của việc xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, bên cạnh đó khi quy định về quyền bình đẳng giới thì không cần dùng các khái niệm gây tranh cãi, người đã chuyển đổi giới tính và người không xác định giới tính.
Mai Lan