Vấn đề điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi theo Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) là điều mà nhiều đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên họp buổi sáng. Qua thảo luận, một số đại biểu nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, thay vì 16 tuổi như Luật hiện hành.
Theo các đại biểu, việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên).
Có đại biểu nêu ý kiến: "Từ 16 đến dưới 18 tuổi là độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý lứa tuổi, cần phải được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp các em không bị nguy cơ lao động sớm và được bảo vệ để không bị lạm dụng và xâm hại.
Nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng quyền trẻ em, như vậy sẽ tác động tốt đến khuyến khích học tập, đảm bảo tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm đầy đủ hơn, được hỗ trợ học tập để hoàn thành phổ cập giáo dục".
Bên cạnh một số quan điểm đồng tình với Dự thảo Luật, thì nhiều đại biểu cho rằng, việc nâng tuổi trẻ em lên đủ 18 tuổi cần cân nhắc thận trọng hơn. Bởi, việc điều chỉnh độ tuổi đến dưới 18 sẽ không thống nhất với các quy định tại Bộ luật Lao động, Luật thanh niên, Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Hình sự...
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cung cấp thêm căn cứ làm cơ sở cho việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em, gồm các nghiên cứu khoa học về phát triển tâm, sinh lý của trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18; các chính sách cho nhóm đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi, hệ thống pháp luật liên quan đến nhóm đối tượng này và cân nhắc về nguồn lực bảo đảm cho việc điều chỉnh.
Có ý kiến cho rằng việc mở rộng độ tuổi cần đi kèm các giải pháp bảo vệ, chăm sóc phù hợp vì thực tế hiện nay có nhiều vấn đề xã hội bức xúc đối với lứa tuổi 16 đến dưới 18 tuổi như: nạn tảo hôn, nạo phá thai, làm mẹ ở tuổi vị thành niên, xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động...
Trong phiên thảo luận buổi sáng về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) các đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số quy định hành vi bị nghiêm cấm như: bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em, bóc lột trẻ em.
Các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo Luật quy định quá nhiều quyền của trẻ em nhưng ít bổn phận. Đại biểu đề nghị: bổ sung thêm các bổn phận đối với trẻ em như: tự nâng cao sức khỏe, tự học, tự thực hiện nghĩa vụ trong nhà trường và trong xã hội...
Một số ý kiến đề nghị bổ sung các quyền của trẻ em như: quyền được lắng nghe, được chia sẻ; quyền có quê hương để xác định họ hàng, dân tộc, quyền được ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, quyền được chăm sóc về dinh dưỡng. Đồng thời bổ sung quyền của các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em di cư, trẻ em bị xâm hại...
Trước đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thống kê (sửa đổi). Luật có 9 chương với 72 điều, quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Chiều cùng ngày, các đại biểu dành thời gian thảo luận Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Khí tượng, thủy văn.
Mai Lan