Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này.
Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 11 chương, 73 điều với những quy định về: Nguyên tắc, trách nhiệm, chế độ tạm giữ, tạm giam và giám sát việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; về khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan...
Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo luật Tạm giữ, tạm giam đã có 16 ý kiến phát biểu. Các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề lớn của dự án luật này.
Đồng thời góp ý về một số vấn đề như: Về tên gọi của dự án luật, các vị đai biểu Quốc hội đều đồng tình nên lấy tên gọi là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Cơ bản nhất trí với quy định về quyền, nghĩa vụ của người bị tam giam, tạm giữ quy định tại Điều 9 của dự thảo, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị nên bổ sung thêm như quyền trưng cầu ý dân, bổ sung được bầu cử, song cần loại trừ với trường hợp mà bị tạm giam để chờ đi thi hành án hình sự, như phạt tù hoặc tử hình không được quyền bầu cử.
Về vấn đề hệ thống cơ quan quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam (quy định tại Điều 10, Điều 11), đa số ý kiến các vị đại biểu đều nhất trí với dự thảo. Tuy nhiên, có một vài ý kiến đề nghị cân nhắc thêm, có ý kiến đề nghị nên chuyển cho Bộ Tư pháp quản lý.
Trong nội dung cụ thể của các điều luật này, các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu cần phải bảo đảm tính độc lập, thống nhất, phân định riêng biệt giữa nhà tạm giữ với trại tạm giam, không nên giam chung những đối tượng bị tạm giam trong nhà tạm giữ.
Thảo luận về quy định phân loại, quản lý tạm giữ, tạm giam (Điều 18), các vị đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với dự thảo. Tuy nhiên, tại Khoản 4 có đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người nước ngoài, vấn đề này cần phải được cân nhắc thêm cho phù hợp với các điều ước, công ước quốc tế.
Về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 22), các vị đại biểu Quốc hội cũng đồng ý và đề nghị cân nhắc thêm quy định tại Khoản 2 để bảo đảm tính khả thi.
Về điều kiện để khởi kiện vụ án hành chính, vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trong vấn đề tạm giữ, tạm giam, các vị đại biểu Quốc hội đều đồng tình với dự án luật. Tuy nhiên, các vị đại biểu đề nghị cân nhắc việc tạm giữ người đối với các cơ quan kiểm ngư, kiểm lâm. Nếu như không quy định được rõ nơi tạm giữ họ, cũng cần phải quy định cơ chế chuyển giao người tạm giữ này thế nào cho hợp lý để khi thực hiện không có vướng mắc.
Về điều cấm (Điều 8), các vị đại biểu đề nghị nên phân biệt thành 2 loại cấm. Một là đối với người bị tạm giữ, tạm giam, hai là đối với người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam để cho rõ ràng hơn.
Ngoài ra, các vị đại biểu cũng góp ý thêm một số vấn đề khác như: về bố cục, thuật ngữ, về vấn đề giải quyết những trường hợp chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, về quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam...
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; thảo luận về Dự án Luật đấu giá tài sản. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Long An, Đắc Nông và Kiên Giang.
Phát biểu thảo luận ở tổ, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao việc thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.
Theo đó, hoạt động thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ thừa phát lại cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.
Do vậy, đồng tình với dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại, trong đó đề nghị cần hoàn thiện các khâu pháp lý như nội dung, phạm vi, trình tự, thủ tục... để hoạt động Thừa phát lại xác định được địa vị pháp lý, góp phần xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự...
Mai Lan