Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có 672 điều, được bố cục thành 6 phần, 24 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét trong 3 kỳ họp (từ kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 10) và dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này.
Bộ luật Dân sự được xem là một Luật khung, quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa Hiến pháp 2013, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Đây cũng là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ chế độ, chủ quyền, an ninh của đất nước, quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đã có 45 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Về phạm vi điều chỉnh và hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự; Về bảo vệ quyền dân sự, phương thức bảo vệ quyền dân sự; Pháp nhân, trách nhiệm dân sự của cá nhân đối với pháp nhân trong giao dịch dân sự mà cá nhân là đại diện cho pháp nhân thực hiện gây thiệt hại cho pháp nhân; Về chuyển đổi giới tính; Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; Thời hiệu áp dụng trong các trường hợp cụ thể; Về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản; Việc chấm dứt hợp đồng và tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong quan hệ pháp luật về hợp đồng; Về lãi suất…
Trước đó, ngày 23-10, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh đã tiến hành thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo đó, đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, có chất lượng cao, đã đánh giá toàn diện tất cả các mặt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2010 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Các dự thảo đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế để từ đó đưa ra những nhận định, xác định phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp trong giai đoạn tới.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các nội dung đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; 30 năm đổi mới và 5 bài học lớn; dự báo tình hình thế giới và đất nước; Mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm tới; Định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Mai Lan