Cũng trong ngày làm việc, các đại biểu giành thời gian thảo luận về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Đầu giờ sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Theo Tờ trình, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì cần thiết phải có những giải pháp về thuế phù hợp.
Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi bổ sung quy định về xóa nợ doanh nghiệp nhà nước để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại.
Thảo luận về Dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu đồng tình với việc cần thiết sửa đổi Luật Tố tụng hành chính để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Đa số các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự khách quan, bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.
Tố tụng hành chính thực chất phần lớn là khiếu kiện của người dân với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan công quyền, do vậy cần đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án. Theo đó, việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, tính khả quan của bản án là hết sức quan trọng.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần quy định thẩm quyền Tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành vi, hành chính mang tính nội bộ. Đồng thời tán thành với thủ tục rút gọn, quy định bản án quyết định sơ thẩm trong trường hợp được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc phẩm. Việc xét xử theo thủ tục phúc thẩm cũng có thể được áp dụng theo thủ tục rút gọn về hồ sơ, thành phần tham gia.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 8 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Kiên Giang, Long An và Đắc Nông. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia phiên thảo luận ở tổ.
Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đồng tình với việc ban hành Dự thảo Nghị quyết, cho rằng, dự thảo Nghị quyết và Nội quy đã được chuẩn bị công phu, hồ sơ đầy đủ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Nội quy kỳ họp Quốc hội cần phải được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, hợp lý, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Văn Phương, nhiều ý kiến tham gia thảo luận tại tổ cũng cho rằng để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, hợp lý, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp.
Cũng trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội các tỉnh đã đóng góp ý kiến về một số nội dung của Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) như: trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (Điều 5); Về thảo luận tại phiên họp toàn thể (Điều 16); hoạt động của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội...
Góp ý vào Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng Dự án đã kịp thời bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại quy định về hạn tuổi cao nhất phục vụ trong ngạch dự bị của quân nhân chuyên nghiệp (điều 24 dự thảo) vì so sánh với hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm được quy định tại khoản 2, Điều 17 dự thảo luật thì sau khi nghỉ hưu cấp thượng tá quân nhân chuyên nghiệp chỉ còn 1 năm để vừa đăng ký, vừa giải quyết quân nhân chuyên nghiệp dự bị, như vậy là ngắn và chưa phù hợp.
Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ những trường hợp đặc biệt nào mới nâng, hoặc hạ bậc lương, thăng bậc quân hàm... để đảm bảo tính thống nhất và dễ thực thi.
Cũng theo đại biểu Lưu Thị Huyền: tại khoản 4, Điều 17 Dự thảo Luật quy định: Khi quân đội có nhu cầu quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bậc cao hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận đạt danh hiệu giỏi; đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều này từ 1 năm đến 5 năm nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 2 của Điều 17 lại quy định "hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm với Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 và nữ 55 tuổi". Như vậy, so sánh với hạn tuổi quy định tại khoản 4 thì đối tượng này không được kéo dài thêm tuổi khi đủ điều kiện và có nhu cầu.
Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định tại khoản 4. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về quy định điều kiện nghỉ hưu của công nhân viên chức quốc phòng; về chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ...
Mai Lan