Mở đầu phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Theo đó, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Qua 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Luật cũng bộc lộ tồn tại cần khắc phục, sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật và đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính, hội nhập quốc tế.
Việc sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập; đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Bổ sung các quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế vào dự thảo Luật để bảo đảm giá trị pháp lý của các quy định này, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất nhập khẩu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các văn bản có liên quan đã được ban hành mới hoặc sửa đổi như Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan…; khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: đối tượng chịu thuế; khung thuế suất; mức thuế suất; thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế xuất nhập khẩu lần này nhằm góp phần khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh; đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gồm 22 Điều. Được bố cục thành 5 Chương. Những nội dung cụ thể của từng chương được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý về dự thảo Luật kế toán (sửa đổi), các đại biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý về dự thảo Luật kế toán (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về một số vấn đề để dự thảo Luật được hoàn chỉnh hơn như: Về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kế toán; Về quy định kiểm tra kế toán; Về lệ phí cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; Về chuẩn mực về kế toán...
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc ở hội trường, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Mai Lan