Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là phiên họp cuối cùng về hoạt động chất vấn và giám sát hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIII.
Kỳ họp sau, Quốc hội sẽ tập trung vào công tác tổng kết và thảo luận cho ý kiến về một số bộ luật khác. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, Quốc hội sẽ nghe lại Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về chất vấn và giám sát của Quốc hội từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 10.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ rất tổng họp, toàn diện về tình hình của đất nước. Đối tượng chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này rất rộng, cả Chủ tịch nước, cả Chủ tịch Quốc hội, cả Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: mục đích của phiên chất vấn lần này là đánh giá lại xem yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, trong hoạt động chất vấn đã được tổ chức thực hiện thế nào, đã tốt chưa, qua đó đã thúc đẩy hoạt động bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thiết thực phục vụ những yêu cầu của đồng bào cử tri.
Đây là một phiên họp mà đồng bào cử tri cả nước rất chờ đợi, cũng là dịp để nhìn lại cả nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát thông qua các giám sát tối cao và hoạt động chất vấn.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội, các vị được chất vấn đi thẳng vào vấn đề để giải quyết và có thể cùng thảo luận với nhau ở những vấn đề nêu ra tại phiên họp chất vấn lần này.
Ngay sau bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Nghe Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Phát biểu thảo luận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn buổi sáng, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả mà Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đã đạt được. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu một số vấn đề cử tri còn băn khoăn như: vấn đề tham nhũng; bảo vệ chủ quyền biển đảo; vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý giá cả...
Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng KHCN, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT Bộ trưởng GD&ĐT làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền như: việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cao; làm rõ số liệu về diện tích trồng rừng thay thế; thuốc bảo vệ thực vật; giải pháp khắc phục tình trạng trạng "thừa thầy thiếu thợ; về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; giảng dạy môn lịch sử…
Sau đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lần lượt đăng đàn trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời chất vấn của đại biểu về kiến nghị của nhiều doanh nghiệp xung quanh khoản 5, Điều 5, mục B của Thông tư 21 quy định chỉ được đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trước khi thông tư ban hành, 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật được lưu hành với 1.700 các hoạt chất. Số lượng này quá nhiều, gây khó khăn cho nông dân khi lựa chọn thuốc cũng như công tác quản lý.
Bộ trưởng nêu rõ: "4.100 tên thuốc có nghĩa với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng lại có những loại thuốc rất khác nhau. Nhiều khi chỉ chênh nhau hàm lượng một chút, hoặc cho thêm thành phần nào đó, lại đặt một tên khác. Trong khi đó, tên thuốc đặt lại không phải là tiếng Việt, phần lớn tên thuốc mà ngay cán bộ chuyên ngành cũng rất khó nhớ".
Thậm chí, còn có tình trạng thuốc bảo vệ thực vật xuống cấp cũng đổi tên. Để chấn chỉnh tình hình này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, phải siết chặt lại, trong đó có việc quy định việc đăng ký tên thuốc.
Thông tư 21 quy định mỗi tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký một tên thuốc cho một loại hoạt chất, một thuốc kỹ thuật và thuốc thành phẩm. Bộ trưởng lo ngại nếu để như trước đây, sẽ gây rối và khó cho nông dân và nhà quản lý...
Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề trồng bù diện tích rừng thay thế cho các dự án công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Trong lĩnh vực này, Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương.
Thời gian qua, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ. Năm 2015, các cơ quan chức năng đã làm được khá nhiều việc, trong đó có vai trò rất tích cực của các địa phương và sự cố gắng từ các chủ đầu tư dự án, công trình thủy điện.
Do đó, năm 2015 khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế của các công trình thủy điện đã được Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT đề ra. Năm 2016, đối với diện tích rừng mà các công trình thủy điện đã lấy để phát triển, sẽ hoàn thành kế hoạch trồng bù rừng thay thế...
Trong ngày, các Bộ trưởng cũng đã trả lời làm rõ nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.
Mai Lan