Những thành tích vượt trội
Năm 2002, tại thành phố mang tên Bác, đội tuyển bóng chuyền nam với tên gọi Tràng An Ninh Bình lần đầu tiên tham dự Giải vô địch Quốc gia và được thăng hạng đội mạnh.
Vào thời điểm đó, giới chuyên môn đánh giá việc đội tuyển bóng chuyền nam Tràng An Ninh Bình được nằm trong top các đội mạnh cấp Quốc gia là một phát hiện mới của bóng chuyền Việt Nam. Bởi, ít ai nghĩ rằng, ở Ninh Bình, bóng chuyền không phải là môn thể thao truyền thống, môn mũi nhọn và không thuộc nhóm thể thao cần tập trung đầu tư như các môn thể thao khác là: Điền kinh, Bóng đá, Cầu lông… lại đạt thành tích tốt như vậy.
Sau khi được sánh vai cùng các "ông lớn" trong làng bóng chuyền nước nhà, từ năm 2002 đến nay, đội tuyển Tràng An Ninh Bình tiếp tục gặt hái "cả mùa lúa lẫn mùa khoai" với 8 chức vô địch, gồm vô địch Quốc gia (2006, 2010, 2012), vô địch Cúp Hùng Vương (2009, 2010, 2012), vô địch Cúp Hoa Lư (2010, 2012).
Đó còn chưa kể các danh hiệu khác như hạng nhì lượt đi giải vô địch Quốc gia (2006, 2008), huy chương bạc giải VĐQG (2009). Từ những kết quả trên, có thể khẳng định rằng bóng chuyền Ninh Bình không chỉ tạo được bước tiến vững chắc mà còn xác lập được kỷ lục về thành tích mà ít có đội bóng nào đạt được.
Cúp Hoa Lư đã tiếp sức cho Tràng An Ninh Bình
Nói về việc xây dựng một môn thể thao như bóng chuyền, vừa đạt thành tích cao vừa có sức sống lâu dài là một việc làm rất khó. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để các VĐV có được cơ hội thi đấu nhiều lần trong năm, trong khi Giải VĐQG chỉ được tổ chức 1 năm 1 lần?
Với ý nghĩ đó, lãnh đạo ngành TDTT đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh tổ chức giải đấu riêng ngay trên quê hương mình với tên gọi "Giải bóng chuyền Cúp Hoa Lư" được tổ chức định kỳ hàng năm trước thời điểm giải VĐQG diễn ra khoảng nửa tháng. Đây là giải đấu nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi bước vào giải đấu quan trọng nhất trong năm.
Giải được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 gồm 4 đội nam và chỉ mang tính "nội bộ". Tuy nhiên, từ thành công của giải đấu lần thứ nhất đã tạo tiền đề cho các giải lần sau để BTC tăng số lượng các đội tham dự: năm 2008 là 6 đội, đến năm 2010 và 2011 có thêm đội tuyển Lào, đến năm 2012 là 8 đội (có 4 đội nữ).
Như vậy, từ một giải đấu mà ban đầu chỉ mang tính chất "giao hữu" đến nay đã nâng tầm thành giải Quốc gia và được đưa vào hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, tổ chức định kỳ hàng năm mỗi khi Tết đến, xuân về. Giải đấu được xem như là cuộc "tổng diễn tập" nhằm tạo điều kiện cho các đội có dịp cọ xát kiểm tra đánh giá lực lượng trước khi bước vào vòng 1 giải VĐQG, bởi đây là giải đấu quy tụ các đội nằm trong top các đội hàng đầu như Thể Công, Long An, Tập đoàn Dầu khí QGVN (nam), Thông tin Liên Việt post Bank, Vietsovpetro… (nữ).
Sự góp mặt các tên tuổi hàng đầu của làng bóng chuyền Việt Nam, công tác tổ chức chuyên nghiệp của các bộ phận chuyên môn, sự phối hợp có hiệu quả của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, các đơn vị tài trợ không những tạo cho Cúp Hoa Lư - Ninh Bình trở thành một thương hiệu riêng, mà thông qua giải cũng là dịp nhằm quảng bá, giới thiệu cho người hâm mộ cả nước hướng đến một Ninh Bình đang trên đà đổi mới và phát triển.
Giải Bóng chuyền Cúp Hoa Lư năm 2013 là giải đấu lần thứ 7, có tên gọi Cúp Hoa Lư - Đạm Ninh Bình. Với sự vào cuộc của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, sản phẩm được xem như "cây nhà lá vườn" , là cuộc hội ngộ đầy thú vị cho giải đấu mang nhiều ý nghĩa.
Như vậy, từ một giải đấu chỉ mang tính "nội bộ" có tên gọi Cúp Hoa Lư đến giải đấu Cúp Hoa Lư - Đạm Ninh Bình, bóng chuyền Tràng An Ninh Bình đã trải qua thời gian 7 năm.
7 năm cho một định hướng đúng và trúng, cùng với sự đồng thuận của xã hội, của các nhà chuyên môn, các nhà tài trợ thông qua việc xã hội hóa đã chắp cánh cho bóng chuyền Ninh Bình lập nên kỳ tích với 8 chức vô địch trong vòng 8 năm, điều mà các đội bóng khác không thể làm được.
Phải chăng, đó là bí quyết duy trì và phát triển bóng chuyền của Ninh Bình?
Hy vọng và xin chúc cho Tràng An Ninh Bình thi đấu thành công tại giải Cúp Hoa Lư - Đạm Ninh Bình năm 2013.
Võ Hùng