Thành tựu rực rỡ
65 năm qua (1959-2024), khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình luôn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần cùng với cả nước giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ sau khi tái lập (năm 1992) đến nay, tỉnh Ninh Bình đã vươn lên giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.
Trên bước đường xây dựng quê hương, những lời căn dặn của Bác về phát triển nông nghiệp được Ninh Bình triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Nông nghiệp không chỉ là nền tảng, trụ đỡ bảo đảm an ninh lương thực mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác năm 2024 ước đạt 158 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2025 đạt 163 triệu đồng/ha, tăng 20,7% so với năm 2020, cho thấy hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 111 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 70 sản phẩm đạt 4 sao.
Đến nay, 100% huyện, thành phố đạt chuẩn và đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn mới có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Du lịch Ninh Bình có sự chuyển mình mạnh mẽ, nhất là từ sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (năm 2014) đã mở ra cơ hội, vận hội lớn đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thương hiệu, hình ảnh du lịch Ninh Bình gắn với Di sản thế giới Tràng An được lan tỏa và quảng bá rộng rãi trên bình diện quốc tế, Ninh Bình được đánh giá là 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước.
Nối tiếp truyền thống vùng đất học, lĩnh vực giáo dục-đào tạo của tỉnh được quan tâm, chú trọng phát triển toàn diện cả quy mô và chất lượng, có 8 năm liên tục nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT. Hệ thống y tế được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm, bảo đảm, mở rộng phạm vi bao phủ. Công tác giảm nghèo đa chiều bền vững được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 3,07% năm 2021 xuống còn 1,86% năm 2023. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng. Giữ vững địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh.
Đặc biệt, những vùng đất từng in dấu chân Bác Hồ nay đã có sự đổi thay vượt bậc. Xã Khánh Cư và Lạng Phong đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Phát Diệm đang từng bước khẳng định vị thế của mình khi hướng tới tiêu chuẩn đô thị loại IV, là trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Đông Nam của tỉnh. Với những thành quả đáng tự hào, các địa phương này không chỉ tô điểm cho bức tranh phát triển của tỉnh, mà còn là minh chứng sinh động cho tình cảm sâu nặng của người dân đối với Bác Hồ.
Nông trường quốc doanh Đồng Giao (xưa), nay là Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cũng không ngừng vươn lên lớn mạnh, trực tiếp quản lý sản xuất hơn 5.500 ha đất canh tác và 13.000 ha đất liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ngày nay DOVECO không chỉ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả theo chuỗi giá trị khép kín quy mô lớn nhất cả nước, mà còn đóng vai trò là “bệ đỡ” đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc DOVECO chia sẻ: 64 năm trước, khi Bác Hồ đến thăm Nông trường, Người căn dặn: “Phải làm ra những sản phẩm tốt”, “phải đưa Đồng Giao trở thành nông trường giàu có”… DOVECO giờ đây đã trở thành doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao, vì một nước Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng. Sự phát triển lớn mạnh của DOVECO đã đưa Ninh Bình trở thành trung tâm chế biến rau quả lớn của cả nước.
Từ một nền kinh tế khởi điểm thấp, tỉnh Ninh Bình đã có bước nhảy vọt ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng GRDP luôn cao hơn so với bình quân cả nước, đạt trung bình 7,3%/năm trong giai đoạn 2020- 2023; và đạt 8,45% trong 9 tháng năm 2024, đứng thứ 15 cả nước, thứ 5 vùng đồng bằng Sông Hồng; thu nhập bình quân đầu người đã vươn lên vị trí thứ 11 toàn quốc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xanh hóa, với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%.
Từ năm 2022, Ninh Bình đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách. Sau hơn 30 năm tái lập, Ninh Bình đang phát triển mạnh, là một trong 3 trung tâm lắp ráp ô tô của cả nước; là trung tâm phát triển du lịch của vùng, của quốc gia, hội nhập quốc tế sâu rộng; trung tâm tổ chức sự kiện của vùng; trung tâm dự trữ sinh quyển…
Vững bước vươn tới tầm cao mới
Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Ninh Bình hôm nay đã trở thành địa phương phát triển năng động. Đó là kết quả của quá trình lao động sáng tạo không ngừng của người dân Ninh Bình, luôn học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ. Lời dạy của Bác như ngọn hải đăng soi sáng con đường đi lên của quê hương, trở thành nguồn động lực to lớn để Ninh Bình vươn tới những tầm cao mới.
Trong những ngày này, chúng tôi về xã Lạng Phong (Nho Quan)-nơi đón Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Hội nghị điền chủ (ngày 10/2/1947) và nhận thấy sự thay da đổi thịt của miền quê này. Những ngôi nhà cấp bốn ngày nào giờ đã nhường chỗ cho những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp.
Đồng chí Lê Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lạng Phong cho biết: Lời căn dặn của Người về “nghĩa đồng bào, tình dân tộc” khi về thăm quê hương Lạng Phong luôn là kim chỉ nam cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Lạng Phong, để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Năm 2014, Lạng Phong là xã đầu tiên của huyện Nho Quan về đích nông thôn mới. Năm 2022, Lạng Phong đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Phát huy những thành quả đạt được, với ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hiện nay, Lạng Phong đang tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. “Với nhân dân Lạng Phong, ngày Bác Hồ về thăm vẫn luôn là niềm tự hào được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế hệ cán bộ chúng tôi hôm nay càng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống quê hương, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; khơi dậy và phát huy nội lực để tạo bước chuyển tích cực hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội, để luôn xứng đáng với sự quan tâm của Bác”-Đồng chí Lê Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lạng Phong khẳng định.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Ninh Bình đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để Ninh Bình không ngừng tiến xa hơn nữa. Với quyết tâm cao độ, Ninh Bình đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh xác định 4 trụ cột phát triển kinh tế, đó là: Phát triển du lịch là mũi nhọn; công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực; công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản làm đột phá; nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ. Đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường là động lực cho tăng trưởng. Phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số đồng bộ; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và yêu cầu phát triển kinh tếxã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Phát triển toàn diện văn hóa-xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô. Tập trung bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư và di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Tổ chức không gian, phân vùng chức năng hợp lý; phát triển bền vững hệ thống đô thị; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị; đổi mới bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn hiện đại, giàu bản sắc. Tập trung phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn trở thành động lực, không gian và cực tăng trưởng mới của tỉnh. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của dân, lấy dân làm gốc, đem tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân làm lợi cho dân. Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm cao, Ninh Bình đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh. Đó không chỉ là khát vọng, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Ninh Bình để xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương và lời dạy quý báu của Bác Hồ kính yêu; tạo tiền đề cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.