Kù Kao Khải vẫn nhớ: Ngày còn nhỏ, chứng kiến ông bà, bố mẹ, những người hàng xóm quanh năm suốt tháng bám biển để mưu sinh với những công việc nặng nhọc, quen thuộc hàng ngày: đánh cá, bắt cua, trồng cói…, nên những hình ảnh về biển đối với anh là những hình ảnh của cuộc sống thường nhật hết sức quen thuộc, thân thương.
Khi trở thành sinh viên mỹ thuật, nhiều lần được thầy cô đưa đi thực tế ở biển, những hình ảnh người dân vùng biển đánh bắt hải sản, thu hoạch cói, bộ đội biên phòng giúp dân chạy lũ, khám bệnh... đã in sâu vào trong tâm trí anh, trở thành nguồn đề tài vô tận cho các sáng tác. Anh nhận thấy, nếu không ghi lại những hình ảnh này bằng chính các tác phẩm, bằng chính cách thức mà mình đã được đào tạo và yêu thích thì thật là vô tâm và lãng phí. Trong khi vùng biển quê anh nói riêng, mảnh đất Ninh Bình nói chung với truyền thống văn hóa hàng nghìn năm luôn là nguồn đề tài phong phú và hấp dẫn cho các nghệ sỹ ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau thể hiện.
Dưới con mắt của một nghệ sỹ và trên hết là tấm lòng và tình cảm của một người con quê hương, những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của người dân vùng biển hiện lên trong các tác phẩm của anh thật sinh động với: "Động vật ở biển" tham gia triển lãm trẻ toàn quốc, "Đọc báo trên biển" tham gia triển lãm mỹ thuật vì biển đảo quê hương", rồi "Cua biển", "Du thuyền", "Chuyện biển", "Cá biển"… là những tác phẩm tham dự Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, bộ chiếu gối bằng cói trưng bày ở triển lãm mỹ thuật ứng dụng năm 2004 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…
Với một họa sỹ trẻ như Kù Kao Khải, việc được tham gia và trưng bày tác phẩm, đạt giải tại các "sân chơi" là các triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc là sự ghi nhận và đánh giá cao của làng mỹ thuật cho những nỗ lực sáng tạo bền bỉ của người họa sỹ có tuổi đời còn trẻ. Niềm vui mới đến với anh tại triển lãm mỹ thuật các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng II vừa được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, tác phẩm "Chuyện quê" đã vinh dự giành giải A duy nhất tại triển lãm. Đây cũng là giải A đầu tiên của giới mỹ thuật Ninh Bình sau 18 năm có tác phẩm dự thi.
Với phong cách lãng tử, mang đậm "chất" nghệ sỹ và tính cách phóng khoáng, cởi mở, nếu mới tiếp xúc, ít ai biết được họa sỹ Kù Kao Khải còn là thầy giáo dạy mỹ thuật tại Trường THCS Kim Tân (Kim Sơn). Anh có hơn chục năm đứng trên bục giảng để truyền đạt những kiến thức cơ bản về hội họa cho các em học sinh ở lứa tuổi đang ham mê khám phá, tìm tòi về thế giới xung quanh.
Tò mò về hai công việc luôn được anh song hành thực hiện đều đạt kết quả tốt, Kù Kao Khải chia sẻ: họa sỹ và giáo viên mỹ thuật tuy là hai công việc khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau rất nhiều. Người họa sỹ vừa sáng tác vừa nghiên cứu lý luận sẽ giúp cho mỗi tác phẩm của mình như có "hồn" hơn, mang đậm hơi thở cuộc sống và giúp cho học sinh của mình nhìn vào để có cái nhìn chính xác hơn về các tác phẩm nghệ thuật, giúp cho mỗi bài giảng có tính thực tiễn hơn. Do đó, người họa sỹ khi đứng trên bục giảng không còn là người thầy giáo với các bài giảng lý thuyết "suông" mà có thể thu hút học sinh bằng chính các tác phẩm của mình. Thông qua các tác phẩm của mình mà phần lớn là các tác phẩm bám sát đề tài về biển, đảo quê hương, Kù Kao Khải đã đem đến cho học sinh của mình nói riêng, người xem nói chung tình cảm và niềm tự hào về biển đảo quê hương - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, góp phần tuyên truyền, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật ở khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn quốc với tư cách tác giả có tác phẩm trưng bày, đạt giải, các tác phẩm của Kù Kao Khải chủ yếu tập trung vào chất liệu sơn dầu và nghệ thuật gỗ điêu khắc sắp đặt. Trong đó, các tác phẩm thuộc "mảng" gỗ điêu khắc sắp đặt của anh thu hút người xem bởi nét mới, lạ, giúp cho người họa sỹ có cách thể hiện khác biệt nhằm khẳng định cái "tôi" trong mỗi tác phẩm.
Có sự đổi mới trong cách thể hiện tác phẩm như hiện nay, theo Kù Kao Khải tâm sự là do điêu khắc sắp đặt là loại hình nghệ thuật mới được du nhập từ nước ngoài nhưng lại khá gần gũi với người dân Việt Nam bởi tính ứng dụng cao.
Sau nhiều năm theo đuổi các tác phẩm với chất liệu sơn dầu, anh nhận thấy sơn dầu theo thời gian không giữ được tác phẩm nguyên bản. Còn với điêu khắc sắp đặt, với chất liệu quen thuộc, gần gũi với đời sống người dân là gỗ không chỉ bền bỉ qua thời gian mà còn là khơi gợi cho người họa sỹ những cách thể hiện mới, lạ, thỏa sức sáng tạo, tìm tòi cái độc, cái lạ…
Những tác phẩm điêu khắc sắp đặt mà anh thể hiện thời gian gần đây như: "Chuyện quê I và II", "Đỏ", "Sự sống"… đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn của người họa sỹ trẻ. Trở về từ triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng với giải thưởng cao nhất, Kù Kao Khải lại tiếp tục gắn bó với công việc giảng dạy và đang có những chuẩn bị cho triển lãm mỹ thuật về đề tài cách mạng tại Bảo tàng Quân sự Việt Nam năm 2014. Vẫn trung thành với chất liệu gỗ và điêu khắc sắp đặt, Kù Kao Khải dự định sẽ thử nghiệm thêm một số chất liệu khác như: đá, sơn mài… cho các tác phẩm về đề tài cách mạng. Anh cũng đang tập trung khai thác nét văn hóa đặc sắc của lịch sử truyền thống Ninh Bình với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng… với mong muốn góp phần đưa hình ảnh về con người, vùng đất Ninh Bình đến với người xem trong nước và quốc tế.
Phan Hiếu