Những điểm nhấn tích cực Trong khi các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất vẫn còn gặp không ít những khó khăn về vốn, thị trường, hàng tồn kho, công nghệ lạc hậu…, tuy nhiên bức tranh kinh tế quý I đã có những điểm nhấn tích cực trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu; du lịch…
Bứt phá lớn nhất trong quý I năm nay phải kể đến ngành sản xuất công nghiệp. Lãnh đạo Sở Công thương cho biết: "Giá trị sản xuất công nghiệp quý I vẫn tăng trưởng ở mức khá, cao hơn mức bình quân chung của toàn quốc. Tiểu thủ công nghiệp đã có những thay đổi theo chiều hướng tốt; thị trường đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp quý I toàn tỉnh đã đạt 3.181,5 tỷ đồng, tăng 34% so với quý I năm 2012, đạt 23,5% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm có sản lượng tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: Ximăng-clanke đạt 2,25 triệu tấn; thép cán đạt 49,3 nghìn tấn; phân, đạm đạt 68,3 nghìn tấn; cần gạt nước ô tô đạt 4,7 triệu chiếc, quần áo các loại đạt 6,6 triệu chiếc.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ vị trí cao trong kinh tế tỉnh nhà. Giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt gần 118,7 triệu USD, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn vẫn tập trung ở khối doanh nghiệp FDI là quần áo các loại đạt 47,7 triệu USD, giày dép các loại đạt 7,7 triệu USD...
Một số mặt hàng của địa phương như nông sản, thủ công mỹ nghệ đã tìm được bạn hàng thích hợp và đạt mức tăng trưởng khá như: nước dứa cô đặc, đồ gỗ, tinh bột sắn…
Một số doanh nghiệp may mặc cho biết, năm nay thị trường hàng may mặc đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Điều này thể hiện bằng việc không ít doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2013.
Một điểm sáng khích lệ nhất trong bức tranh kinh tế quý I của tỉnh đó là doanh thu từ du lịch tăng cao. Trong quý I, số khách du lịch đến Ninh Bình đạt 2,7 triệu lượt khách, tăng 47,2% so với cùng kỳ, đạt 67,5% kế hoạch năm; doanh thu du lịch ước đạt 470 tỷ đồng, tăng 35,2% so với cùng kỳ.
Kết quả trên cho thấy kinh tế Ninh Bình đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. "Ngành công nghiệp không khói" đang dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh khi trong vài năm gần đây mang lại doanh thu không nhỏ cho tỉnh và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định.
"Điểm nghẽn" lớn của nền kinh tế
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng nêu trên thì kinh tế quý I của tỉnh, vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Chí Tình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh quý I đạt gần 2.959 tỷ đồng, giảm 19,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư khu vực Nhà nước đạt 908,1 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ; vốn tín dụng đạt 14,6 tỷ đồng, giảm 94,5%; vốn ngoài Nhà nước đạt 1.867,9 tỷ đồng, giảm 22,4%. Vốn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 1.174,9 tỷ đồng, giảm 14,3% vốn trong dân cư đạt gần 693 tỷ đồng, giảm 33%.
Đây là tình trạng chung của cả nước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Chính phủ đang áp dụng chính sách tài khóa, hạn chế đầu tư công. Do vậy, việc giải ngân nguồn vốn Nhà nước trong vài năm trở lại đây đều giảm.
Đối với nguồn vốn ngoài Nhà nước cũng chưa thể tăng trở lại. Mặc dù tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhưng đến nay các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn mới chỉ ổn định ở mức duy trì sản xuất chứ chưa dám vay vốn để đầu tư mở rộng.
Mặt khác, công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được UBND tỉnh, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo nhưng tình hình phát triển doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.
Trong quý I mới chỉ có 75 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; 5 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký gần 560 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng mức đầu tư 2.593 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiến độ một số công trình, dự án còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công năng lực còn hạn chế. Một số ngành, địa phương chưa thực sự có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng, trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư. Việc phối hợp thực hiện và phân cấp giữa các ngành, các cấp còn bất cập.
Ngoài ra, theo đánh giá của một số ngành, địa phương, trước những khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp chưa thể làm ăn có lãi. Cộng thêm vào đó là việc thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp. Do đó, năm nay công tác thu ngân sách tiếp tục vẫn là thách thức lớn đối với tỉnh.
Gỡ dần khó khăn
Mặc dù có những đánh giá khá khả quan về kinh tế quý I nhưng nhìn nhận về triển vọng của nền kinh tế quý II, đồng chí Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Bước sang quý II và nhìn rộng ra cả năm có thể thấy kinh tế tỉnh ta cũng như cả nước sẽ còn gặp không ít khó khăn.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu mặc dù tăng cao nhưng chưa thực sự bền vững, dấu hiệu phục hồi của thị trường vẫn còn yếu ớt. Các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động, tuy nhiên vướng nhất vẫn là đầu ra, do đó cần có các gói kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bằng biện pháp giảm lãi suất cho vay nhưng chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp.
Trước mắt, để giải quyết lượng hàng tồn kho cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Riêng đối với Sở Công thương sẽ tiếp tục thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm các bạn hàng mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải tự nỗ lực trong việc tiết kiệm chi tiêu, giảm chi phí không cần thiết, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của quý II mục tiêu phát triển kinh tế năm 2013 của tỉnh, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết của các ngành, các cấp.
Các ngành, địa phương cũng cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các mục tiêu trong quý II, từ đó thi đua hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra trong năm 2013.
Cụ thể, đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ bản, cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng cường thu hút đầu tư và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính, vốn, các lĩnh vực thuộc thẩm quyền để sớm khởi công xây dựng các khu nhà ở cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp để giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cơ sở Khu công nghiệp Phúc Sơn, nhanh chóng giải quyết vướng mắc, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án: Nhà máy thép tại Khu công nghiệp Khánh Phú, Nhà máy phân bón Bình Điền; Nhà máy linh kiện điện tử Hàn Quốc; kiểm soát chặt chẽ các điều kiện tiêu chuẩn về đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra ô nhiễm.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án thực hiện đúng tiến độ đã đề ra. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và tiếp tục hướng dẫn các cấp, các ngành, các đơn vị nâng cao hiệu quả các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quan hệ đối ngoại thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung chăm sóc lúa đông xuân, phòng trừ sâu bệnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác thu ngân sách, tập trung vào các giải pháp xây dựng phương án phân cấp trong công tác quản lý, kê khai, thu nộp thuế để chống thất thu thuế.
Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, khấu trừ thuế, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, quyết toán thuế; kiên quyết thu nợ đọng theo quy định; tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu từ sản xuất; đẩy nhanh thanh, quyết toán vốn các công trình, dự án, kế hoạch đấu giá đất và tài sản trên đất. Tích cực khai thác các nguồn thu, đặc biệt khai thác triệt để các nguồn thu từ tài nguyên.
Nguyễn Thơm