Nhìn lại hành trình hơn 180 ngày qua, có thể khẳng định, tỉnh Ninh Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, kinh tế từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại. Còn nhớ hồi đầu năm, dịch COVID-19 như đổ dồn về tỉnh, nhiều ổ dịch phát sinh, số ca mắc mới ngày càng tăng, mọi hoạt động kinh tế xã hội bịảnh hưởng nghiêm trọng.
Tiếp đó là cuộc xung đột quân sự Nga- Ucraina và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của kinh tế- xã hội. Giá nguyên, nhiên liệu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, nhất là xăng, dầu, phân bón… gây khó khăn cho điều hành kinh tế và tác động trực tiếp đến đời sống người dân….
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tỉnh Ninh Bình đã tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19.
Đến nay, số người mắc COVID-19 đã giảm rất nhiều. Mọi hoạt động kinh tế- xã hội gần như trở lại bình thường. Hiện tại, tỉnh Ninh Bình đang tập trung tiêm vắc xin mũi 4 phòng COVID-19 cho các đối tượng. Song hành cùng nhiệm vụ phòng, chống dịch, tỉnh tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với quyết tâm tích cực, chủ động tháo gỡ ách tắc, khơi thông các "điểm nghẽn", tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kinh tế của Ninh Bình đã có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Quý I/2022 tốc độ tăng trưởng là 2,65%, đến quý II tăng 4,37%. Tính chung tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh ta đạt 3,53%, so với cùng kỳ năm 2021 và đạt thấp nhất so với những năm gần đây, (xếp thứ 11/11 của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng). Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp, một số ngành chủ lực của tỉnh sụt giảm nhiều do thiếu hụt nguyên, nhiên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, hoặc cả việc tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử như Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công - nơi luôn nắm giữ 25-30% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh- trong 6 tháng qua, sản lượng lắp ráp ô tô từ 5 chỗ ngồi trở lên giảm 35,8%.... Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều thuận lợi, lúa vụ đông xuân được mùa, nhưng diện tích, năng suất, sản lượng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất thủy sản không để xảy ra dịch bệnh, sản lượng tăng. Riêng chăn nuôi gặp khó do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trở lại. Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; 7/8 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi và đạt mức tăng khá. Nổi bật là xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.614,4 triệu USD tăng 27,,3% so với cùng kỳ và đạt 57,7% kế hoạch năm. Về du lịch, số khách đạt hơn 1,77 triệu lượt tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 71% kế hoạch… Công tác xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm. Văn hóa xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường…
Nhiều các sự kiện lớn được tổ chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua đảm bảo an toàn, chu đáo, tiêu biểu như: tổ chức kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992-1/4/2022); Lễ hội Hoa Lư 2022; tổ chức thành công thi đấu nội dung karate của SEA GAMES 31… Chặng đường 6 tháng còn lại của năm 2022 dự báo tiếp tục sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.
Cuộc xung đột Nga- Ucraina chưa kết thúc; giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp vẫn cao; đặc biệt là thiên tai, bão lũ có thể sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta cùng với một số tồn tại, hạn chế chủ quan của các cấp, các ngành chưa được khắc phục kịp thời sẽ là lực cản lớn cho sự phát triển.
Do vậy, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của năm 2022 đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, từng doanh nghiệp và người dân cần nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên từng vị trí công tác và trong từng nhiệm vụ.
Trong những ngày tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ đánh giá những kết quả đã đạt được của 6 tháng đầu năm và đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2022.
Trong đó vẫn cần phải cảnh giác với những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và chấp hành nghiêm các quy định, tự giác tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 theo kế hoạch đề ra. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đi đôi với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn Ninh Bình.
Tín hiệu đáng mừng là UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp và dự kiến trong tháng 7/2022 cũng sẽ có một hội nghị. Qua các hội nghị này càng thể hiện rõ chủ trương chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Hy vọng kinh tế xã hội của tỉnh ta sẽ có bước phát triển nhanh và bền vững, đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong 6 tháng cuối năm 2022.
Nguyễn Đông